Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, những tương tác giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với ông Biden và bà Harris được cho là điều có thể dự đoán. Mọi sự kịch tính trong chuyến đi này tập trung vào mối quan hệ giữa ông với ông Trump.
Chuyến thăm Mỹ đầy biến động
Tuần này là một tuần khá bận rộn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông đã tới New York để phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và gặp các nhà lãnh đạo thế giới. Nhưng chương trình nghị sự thực sự của ông là gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và các ứng viên tổng thống Kamala Harris và Donald Trump. Với ông Biden, nhà lãnh đạo Ukraine muốn được phép sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS với tầm bắn 300km về nhắm vào các mục tiêu quân sự ở Nga. Với ông Trump và bà Harris, ông Zelensky muốn đổi mới và củng cố mối quan hệ của mình với các ứng viên này trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đưa một trong hai người trở thành tổng thống trong 4 tháng nữa.
Những tương tác giữa ông Zelensky với ông Biden và bà Harris là điều có thể dự đoán được. Giới quan sát cho rằng không mấy ngạc nhiên khi Tổng thống Ukraine không thuyết phục được người đồng cấp Mỹ cho phép sử dụng tên lửa ATACMS ở Nga. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến phương Tây phải bối rối trước những cảnh báo hạt nhân của mình. Quyết định của Tổng thống Putin trong tuần này về việc sửa đổi học thuyết của Nga nhằm thiết lập ngưỡng thấp hơn cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân đã mang đến cho ông Biden thêm một lý do nữa để trì hoãn việc tăng cường hỗ trợ nỗ lực chiến đấu của Ukraine.
Ngoài bất đồng đã được đoán trước đó, cuộc gặp của hai tổng thống diễn ra trong bầu không khí thân thiện với việc ông Biden tuyên bố ủng hộ chiến thắng của Ukraine và chính quyền Mỹ đã công bố một đợt hỗ trợ vũ khí mới (trị giá gần 8 tỷ USD) cho Ukraine, trong đó có vũ khí tầm xa JSOW với tầm bắn hơn 110km.
Cuộc gặp với bà Harris cũng không có nhiều kịch tính. Tổng thống Zelensky và Phó Tổng thống Mỹ đã có một cuộc trao đổi nồng ấm với việc bà Harris tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và khẳng định lập trường của bà về chiến dịch quân sự của Nga trái ngược với ông Trump.
Mọi sự kịch tính trong chuyến đi của ông Zelensky tập trung vào mối quan hệ giữa ông với ông Trump. Trên thực tế, mối quan hệ giữa hai người không mấy êm đẹp kể từ cuộc điện đàm gây tranh cãi vào tháng 7/2019 khi đây là một phần trong quá trình luận tội đầu tiên chống lại ông Trump. Tuy nhiên, mối quan hệ này ít nhất đã bình thường hóa một phần vào đầu năm nay khi ông Trump ủng hộ việc Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson thuộc đảng Cộng hòa bỏ phiếu vào tháng 4 về gói viện trợ bổ sung cho Ukraine mà một nhóm nhỏ thành viên theo chủ nghĩa dân túy trong đảng đã ngăn chặn suốt 7 tháng. Tiếp theo sau đó là một cuộc điện đàm thân thiện giữa ông Trump và ông Zelensky diễn ra vào mùa hè năm nay.
Khi đến Mỹ, Tổng thống Zelensky hiểu rõ có những phe phái đối đầu trong đảng Cộng hòa và đội ngũ của ông Trump về việc viện trợ cho Ukraine. Một bên thừa nhận Nga coi Mỹ là đối thủ chính và tìm cách phá hoại NATO, do đó, Mỹ có lợi ích thiết yếu trong việc hỗ trợ Ukraine đánh bại chiến dịch quân sự của Nga. Bên còn lại phớt lờ chính sách của Nga với Mỹ và không coi trọng việc hỗ trợ Kiev. Mặc dù nhóm thứ hai bao gồm ứng viên phó tổng thống và con trai cả của ông Trump nhưng cựu Tổng thống Mỹ đến nay vẫn chưa đứng hẳn về phía quan điểm nào.
Tổng thống Zelensky đã làm hai việc khiến chuyến thăm Mỹ của ông trở nên biến động. Đầu tiên, ông đến thăm một nhà máy sản xuất đạn của quân đội Mỹ ở Scranton, Pennsylvania để cảm ơn các công nhân đã sản xuất đạn dược hỗ trợ Ukraine phòng thủ, đồng thời giám sát việc ký kết một thỏa thuận giữa Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro và người đứng đầu Zaporizhzhia của Ukraine về hợp tác khu vực. Ông Zelensky đã có các hoạt động tương tự trong chuyến thăm Utah đầu năm nay - nơi ông được thống đốc đảng Cộng hòa của tiểu bang này tiếp đón. Thứ hai là nhà lãnh đạo Ukraine đã trả lời phỏng vấn tờ New Yorker, trong đó đề cập đến quan điểm "cực đoan" của ứng cử viên phó tổng thống đảng Cộng hòa JD Vance về Ukraine.
Ngày 24/9, hai diễn biến này đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong đảng Cộng hòa. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa gọi chuyến thăm của ông Zelensky tới Scranton là một cuộc mít tinh chính trị nhằm giúp đảng Dân chủ giành lợi thế ở bang dao động Pennsylvania. Không chỉ phe chống Ukraine trong đảng Cộng hòa lợi dụng điều này để tác động đến quan điểm của ông Trump về Ukraine mà nhiều người ủng hộ trung thành với Kiev cũng lên tiếng chỉ trích chuyến đi. Một số ý kiến cũng chỉ trích ông Zelensky vì những tuyên bố không thân thiện với ứng viên phó tổng thống JD Vance.
Ông Johnson thậm chí đã kêu gọi Tổng thống Zelensky sa thải Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova. Và có lẽ điều đáng lo ngại hơn với Kiev là chính ông Trump cũng đã bắt đầu chỉ trích ông Zelensky vì không nhượng bộ một số lãnh thổ trong nỗ lực chấm dứt xung đột với Nga và đội ngũ của cựu Tổng thống Mỹ từ chối xác nhận một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Ukraine.
Phía sau cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Trump
Diễn biến trên kéo dài hơn 2 ngày thì đến tối 26/9, có lẽ không phải ngẫu nhiên chỉ vài tiếng sau cuộc gặp giữa ông Zelensky với ông Biden và bà Harris, tin tức nổ ra rằng ông Trump sẽ gặp Tổng thống Ukraine tại New York ngày 27/9. Cuối cùng, họ đã gặp nhau, cùng trao đổi với báo chí và mô tả đây là một cuộc trò chuyện thân thiện. Từ tối 26/9, mọi chỉ trích của đảng Cộng hòa với ông Zelensky và Ukraine đã chìm xuống. Khi bị truyền thông đặt câu hỏi, ông Trump cũng từ chối nói rằng Ukraine nên từ bỏ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.
Khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson xuất hiện trên Fox News ngày 27/9, ông đã bày tỏ sự không hài lòng về chuyến đi Scranton của ông Zelensky nhưng từ chối rút lại sự ủng hộ của mình với dự luật ngân sách tháng 4 và không loại trừ khả năng viện trợ thêm cho Ukraine vào năm sau, mặc dù ông đã nhanh chóng nói rằng ông hy vọng ông Trump sẽ ở Nhà Trắng để "chỉ đạo cách xử lý mọi việc".
Chúng ta không biết chắc điều gì đã xảy ra nhưng câu trả lời có thể nằm ở thực tế là phần lớn người Mỹ ủng hộ duy trì hoặc tăng cường viện trợ cho Ukraine. Ngoài ra, Pennsylvania có lẽ là tiểu bang dao động quan trọng nhất trong cuộc bầu cử vào tháng 11, với hơn 800.000 người Mỹ gốc Ukraine và Ba Lan.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...