Một quan chức Ukraine cho biết các lực lượng của Nga đã thả 700 quả bom lượn chỉ trong chưa đầy 1 tuần.
Các cuộc tấn công bom lượn cho phép Nga tấn công các lực lượng của Ukraine trong khi bảo vệ các chiến đấu cơ triển khai vũ khí này ở một khoảng cách an toàn. Đây là vấn đề với Ukraine bởi người ta chỉ có thể đối phó với loại bom này bằng cách bắn hạ chiến đấu cơ trước khi nó được thả.
Tuy nhiên, bắn hạ các máy bay ném bom - chiến đấu đồng nghĩa với việc đặt các hệ thống phòng không giá trị tới gần chiến trường, nơi chúng đối mặt với rủi ro lớn hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kéo căng nguồn lực khỏi những khu vực khác. Ngoài ra, các hệ thống phòng không của Ukraine thậm chí không có đủ đạn dược.
Trong một cuộc họp báo ngày 27/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Nga đã thả 700 quả bom lượn ở Ukraine từ 18 - 24/3, tức là chỉ trong 6 ngày.
"Lợi thế chính của Nga trên chiến trường hiện nay là việc sử dụng rộng rãi loại bom này", Ngoại trưởng Ukraine nói, đồng thời nhận định, chúng cho phép các lực lượng của Moscow "phá hủy các mục tiêu trong các cuộc tấn công và tiến qua những đống đổ nát".
Các cuộc tấn công vào khoảng thời gian đó còn bao gồm 190 tên lửa các loại và 140 UAV Shahed, khiến cho hệ thống phòng không Ukraine khó có thể đối phó.
Bom lượn bắt đầu xuất hiện vào năm ngoái nhưng được tăng cường sử dụng từ đầu năm nay.
"Các lực lượng của Nga đã tăng cường đáng kể các cuộc tấn công bom lượn dẫn đường và không dẫn đường vào các vị trí ở tuyến sau và tiền tuyến của Ukraine năm 2024", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho hay trong một đánh giá vào tuần trước. ISW cũng nêu ra việc triển khai các cuộc tấn công bom lượn trên quy mô lớn đã góp phần mang đến hiệu quả chiến thuật cho Nga trong nỗ lực giành Avdiivka vào giữa tháng 2.
Nga có nhiều loại bom lượn khác nhau trong kho vũ khí, trong đó bao gồm một số loại nặng hơn 2.700kg. Khi được phóng, những quả bom lượn này nhanh chóng lao về phía mục tiêu. Các chiến đấu cơ thả chúng từ xa, đồng nghĩa với việc Nga có thể bảo vệ các tiêm kích của mình trong khi tiến hành tấn công.
"Cách duy nhất để đối phó với chiến thuật này là bắn hạ các chiến đấu cơ thả những quả bom này, đòi hỏi phải có đủ số lượng hệ thống phòng không hiện đại trên tiền tuyến", ông Kuleba nói, cho rằng "phòng không mạnh mẽ trên tiền tuyến sẽ cho phép quân đội chúng tôi không chỉ không mất thêm lãnh thổ mà còn buộc Nga phải rút lui".
Ukraine tuyên bố đã thành công bắn hạ một số máy bay ném bom của Nga, đặc biệt là Su-34. Dù vậy, nước này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng đạn dược và các hệ thống phòng không.
Với việc gói hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine vẫn bế tắc tại Quốc hội mặc dù đã có một số dấu hiệu tiến triển, Kiev đang cạn kiệt các hệ thống phòng không, trong đó có hệ thống Patriot mà nước này cần để bảo vệ tiền tuyến và các thành phố khỏi bị tấn công.
ISW cho biết nếu hệ thống phòng không Ukraine suy yếu, điều này sẽ "cho phép Nga tăng cường đáng kể các cuộc tấn công bom lượn trên quy mô lớn và thậm chí có thể cho phép các lực lượng Nga tiến hành các chiến dịch trên không thường xuyên nhằm vào các thành phố và tuyến hậu cần của Ukraine với sức tàn phá khủng khiếp".
Theo ISW: "Các chiến dịch trên không mở rộng có thể cho phép các lực lượng của Nga làm suy yếu nghiêm trọng khả năng chiến đấu của Ukraine và cô lập các khu vực chiến trường để hỗ trợ nỗ lực đạt được những thành quả đáng kể".
Ngày 27/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết cần có thêm 5 - 7 tổ hợp phòng không Patriot. Ngoại trưởng Kuleba cũng đưa ra lập luận kêu gọi tăng cường hỗ trợ hệ thống này.
"Ukraine hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo gần như mỗi ngày. Patriot nên được đặt ở đây để bảo vệ mạng sống con người chứ không phải ở những nơi mà mối đe dọa tên lửa bằng 0".
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...