Những đánh giá mới đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thấy, kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hầu như không tăng trưởng trong năm nay và triển vọng về sự ổn định tài chính của khu vực này vẫn rất mong manh, mặc dù lạm phát đã giảm đáng kể so với trước.
Khó khăn của các nền kinh tế châu Âu
Năm 2023 là một năm đặc biệt khó khăn với kinh tế Châu Âu. Các hậu quả của 2 cuộc khủng hoảng Covid-19 và năng lượng liên quan cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn còn hiện hữu khiến người dân Châu Âu phải gồng mình chịu đựng.
Mặc dù các nhà chức trách đã có những biện pháp để cải thiện tình hình kinh tế nhưng những tác động mà cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra lại lớn hơn nhiều so với những dự đoán và tính toán của các lãnh đạo EU, cụ thể hơn là khu vực Eurozone. Điều này đã gây ra những hệ quả báo động cho khối, đầu tiên là đứt gãy chuỗi cung ứng, sau đó là kinh tế trì trệ cùng với lạm phát cao kỷ lục.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra khi khu vực Eurozone chưa kịp hồi phục sau đại dịch, tiếp tục ra tăng những khó khăn mà khối gặp phải, đổ thêm dầu vào lửa, khiến “đám cháy” lạm phát lan rộng và khó kiểm soát. Trước nguy cơ sụp đổ nền kinh tế do lạm phát, các lãnh đạo của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) buộc phải tung ra biện pháp tăng lãi xuất, kiểm soát dòng tiền. Có thể hiểu biện pháp này như việc khống chế lượng khí oxy để kiểm soát đám cháy, không cho nó tiếp tục bùng lên. Với lượng khí oxy dần ít đi, đám cháy sẽ nhỏ dần và bị dập tắt.
Thực tế cũng đúng như vậy, việc kiểm soát dòng tiền thông qua việc tăng lãi xuất liên tục trong vòng 2 năm qua đã mang lại những kết quả khả quan. Theo số liệu của Eurostat công bố ngày 31/10, tỉ lệ lạm phát của khu vực Eurozone đã giảm từ mức kỷ lục 10,6% vào tháng 9 năm 2022 xuống 2,9% vào tháng 10 năm 2023. Thế nhưng hệ quả mà nó mang lại cũng không hề nhỏ.
Trong dự báo mới nhất của mình, được công bố vào ngày 15/11, Ủy ban Châu Âu đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 0,6% vào năm 2023 (-0,2 điểm) và 1,2% vào năm 2024 (-0,1 điểm) cho khu vực đồng Euro. Việc lãi xuất ngân hàng cao đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn cũng như mở rộng sản xuất. Tương tự như vậy, người dân Eurozone cũng không dám đi vay để mua sắm và trang trải. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của khối. Cầu giảm dẫn đến cung giảm, khó khăn lại càng khó khăn.
Hơn thế nữa, tình hình tương tự cũng được ghi nhận ở Mỹ, một trong những đối tác chính của EU, khi cục Dự trữ Liên Bang (FED) quyết định áp dụng chính sách tăng lãi xuất như ở Châu Âu. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu của khu vực Eurozone. Chưa kể đến Trung Quốc, một đối tác hàng đầu của khối 27, vẫn đang trong quá trình phục hồi hậu đại dịch Covid-19, càng làm cho nền kinh tế Châu Âu thêm ảm đạm. Không những thế, lượng du khách giảm đáng kể trong năm nay khiến một số nước có nguồn thu nhập lớn đến từ các dịch vụ như Pháp, Italia hay Tây Ban Nha phải chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Ngoài ra, tình hình càng xấu đi khi cuộc xung đột Israel – Hamas nổ ra, nguy cơ bị dán đoạn nguồn cung lại một lần nữa đè nặng tâm trí người dân Châu Âu. Các doanh nghiệp buộc phải tính toán lại bài toán kinh tế và người dân dường như cũng thắt chặt chi tiêu hơn.
Tóm lại, bài toán lạm phát chưa giải quyết triệt để, tình hình kinh tế khó khăn chung cũng như những căng thẳng địa chính trị là những “yếu tố” khiến nền kinh tế khu vực Euro liên tục gặp khó khăn trong năm qua.
“Con dao hai lưỡi”
Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung Ương Châu Âu đã có những thành công nhất định : tỉ lệ lạm phát của khu vực Eurozone đã giảm từ mức kỷ lục 10,6% vào tháng 9 năm 2022 xuống 2,9% vào tháng 10 năm 2023. Tuy nhiên, hẳn quý vị và các bạn đều nhận ra rằng, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu chỉ quan tâm tới việc kiểm xoát lạm phát, tập trung vào việc “chữa cháy” và phó mặc nền kinh tế vào sức chống chọi của các doanh nghiệp và người dân của khối. Chừng nào tỷ lệ lạm phát chưa quay trở lại mức an toàn là dưới 2% thì chính sách này vẫn sẽ được áp dụng.
Thế nhưng có một sự thật là tình hình kinh tế thế giới đều bị ảnh hưởng sâu sắc trong năm qua. Kinh tế Mỹ cũng như Trung Quốc, những đối tác chính của EU, đều ít nhiều ghi nhận những suy giảm. Kết quả này cũng khiến các doanh nghiệp Châu Âu gặp khó khăn trong việc xuất khẩu. Qua đó, kéo theo nhu cầu nhập khẩu suy giảm. Vô hình chung, khiến bức tranh kinh tế Châu Âu càng thêm ảm đạm. Chưa kể đến việc lãi xuất cao trong thời gian dài càng khiến các doanh nghiệp không dám đẩy mạnh sản xuất, thậm chí một số doanh nghiệp còn phải tính đến bài toán giảm sản lượng, bán bớt những cơ sở kém hiệu quả để đầu tư gửi tiết kiệm. Các chuyên gia đánh giá hiện tượng này như hiệu ứng domino, khiến cả nền kinh tế, từ nhà cung cho đến người cần, đều đồng loạt thắt lưng buộc bụng, tiêu pha dè sẻn và tập trung vào các mục gửi tiền trong tài khoản ngân hàng.
Hệ quả của việc kiểm soát lạm phát từ ECB còn nặng nề hơn khi từ đầu năm đến nay, cơ quan chế tài này liên tục phải sửa đổi mức tăng trưởng dự đoán cho khu vực Euro, từ mức 1,1% vào tháng 5, rồi đến 1% vào tháng 9, sau đó rơi xuống mức 0,8% cho tháng 10, và mới đây là 0,6% vào giữa tháng 11. Các con số này cho thấy nền kinh tế khu vực Eurozone đã xuống đến mức đáng báo động. Các doanh nghiệp cũng như người dân đã chạm đến giới hạn. Châu Âu đã không còn cách xa ngưỡng xuy thoái. Quan trọng hơn là điều này sẽ vẫn tiếp tục duy trì trong năm 2024 sắp tới. Đây mới là vấn đề đáng để các chuyên gia suy ngẫm và làm ra những thay đổi phù hợp.
Trong điều kiện địa chính trị bất ổn như hiện nay, việc giảm lãi xuất ngân hàng có nhiều rủi ro nhất định. Mối nguy hại lớn nhất có lẽ là tỷ lệ lạm phát vẫn chưa ổn định. Chỉ cần một biến động địa chính trị ở tầm khu vực cũng có thể khiến ngọn lửa lạm phát bùng lên và nhấn chìm nền kinh tế Châu Âu trong thời gian ngắn. Việc duy trì mức lãi xuất như hiện nay cũng không ổn khi Ngân hàng Trung Ương Châu Âu không thể đảm bảo hiệu quả khống chế lạm phát như mong đợi, cùng với đó là phương án chế tài này đang gây ra những tác động tiêu cực mạnh hơn dự kiến. Việc tiếp tục tăng lãi xuất được các chuyên gia ví như con dao hai lưỡi, vấn đề khi đó là xem lạm phát chạm đến ngưỡng mong đợi trước hay các doanh nghiệp tuyên bố phá sản trước mà thôi.
Khu vực Eurozone hiện được ví như người bước trên lớp băng mỏng, nhanh quá hay chậm quá cũng đều rất nguy hiểm. Vấn đề của khối tại thời điểm này là tìm ra một tốc độ phù hợp, một tỷ lệ lãi xuất đủ an toàn để cùng dìu nhau đi qua thời kỳ khó khăn và trông chờ vào tương lai sắp tới. Với mức dự đoán tăng trưởng là 1,6% cho năm 2025.
Môi trường tăng trưởng toàn cầu và các yếu tố chính trị
Theo công bố của tập đoàn kinh tế S&P Global, chỉ số Nhà Quản Trị mua hàng hay PMI của Châu Âu, một trong những số liệu quan trọng để đánh giá tình hình kinh tế, tiếp tục giảm từ mức 47,5 điểm vào tháng 9 xuống 46,5 điểm vào tháng 10 vừa qua và chạm mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây, tức là từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19. Nếu chúng ta bỏ qua những năm đại dịch thì tình hình kinh tế của Châu Âu chưa bao giờ bết bát như hiện tại.
Khi chỉ số PMI xuống dưới 50 thì các hoạt động kinh tế nói chung bắt đầu đình trệ. Sự đình trệ sẽ càng gia tăng khi chỉ số PMI càng giảm và ngược lại, hoạt động kinh tế sẽ khởi sắc khi PMI vượt quá ngưỡng 50. Chỉ số này đạt mức 50,4 vào quý 3 năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Kết quả này cho chúng ta một nhận xét khái quát về tình hình kinh tế hiện tại của Châu Âu.
Ngoài ra, theo các dự báo kinh tế, Đức và Italia sẽ kết thúc năm nay trong tình trạng suy thoái. Trước đó vào đầu tháng 11, Thụy Điển cũng chính thức gia nhập câu lạc bộ suy thoái của Châu Âu, sau Estonia, Hà Lan và Áo. Riêng Đức đây sẽ là lần thứ 2 trong năm rơi nước này vào tình trạng suy thoái sau các kết quả tăng trưởng âm ghi nhận hồi đầu năm.
Bức tranh kinh tế Châu Âu càng bi quan hơn khi Pháp, một trong những nền kinh tế có sức chống chọi cao của EU, cũng được dự đoán sẽ rơi vào suy thoái trong quý 1 năm sau. Và quan trọng hơn cả là các dự đoán đều nhận định tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong vài quý tới do chủ yếu các tác động từ chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu. Hơn nữa, tỉ lệ thất nghiệp cũng được dự báo sẽ gia tăng nhưng sẽ không gây ra ảnh hưởng quá lớn khi tiền lương đang được điều chỉnh theo tình hình lạm phát hiện tại.
Không những thế, các lo ngại về gián đoạn nguồn cung năng lượng liên quan đến tình hình địa chính trị tại Trung Đông hay cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng được dự báo có thể gây ra các biến động lớn cho nền kinh tế châu Âu. Các chuyên gia cho rằng chỉ cần một sự cố liên quan đến các ống dẫn dầu ở Phần Lan hay Ba Lan cũng đủ để làm cho giá năng lượng tăng cao và đưa Châu Âu vào một cuộc khủng hoảng mới. Chưa kể đến, việc phục hồi cũng như sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc, một trong các đối tác chính của Châu Âu, cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của lục địa.
Cuối cùng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hỏa hoạn, hạn hán và lũ lụt…ngày càng xảy ra thường xuyên và mạnh mẽ hơn, minh họa những hậu quả nghiêm trọng mà biến đổi khí hậu có thể gây ra không chỉ đối với môi trường và con người mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự tăng trưởng kinh tế của châu Âu.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...