Kiều bào nỗ lực vượt khó nơi xứ người

13:13 - 13/03/2023

Giữa những biến động của năm 2022, người Việtở nhiều nơi trên thế giới đã tìm cách thích ứng với hoàn cảnh, kiên trì vượt qua khó khăn.

Sống ở Nhật Bản gần 8 năm, chị Lại Thị Hạnh chưa bao giờ thấy giá cả tăng chóng mặt như trong năm 2022. Kể từ tháng 8, chi tiêu trong gia đình chị, gồm hai vợ chồng và một con nhỏ, đã tăng gấp đôi, lên khoảng 40 triệu đồng/tháng.

“Tôi có thói quen 3 ngày đi siêu thị một lần. Ngày trước, mỗi lần đi cùng lắm chỉ mất 1 triệu đồng thôi, mà mấy tháng nay lần nào đi cũng mất 2 – 3 triệu. Có những mặt hàng tôi không sờ tới nữa, như hoa quả nhập khẩu. Một trái xoài giá tăng từ 40.000 đồng lên tới 160.000 đồng thì thực sự không dám mua”, chị Hạnh, làm việc tại Tokyo, chia sẻ với Thanh Niên.

Không chỉ ở Nhật, người Việt khắp nơi trên thế giới trong năm qua đều phải đối mặt với tình trạng lạm phát, bão giá, suy thoái kinh tế… giữa lúc xung đột Nga – Ukraine làm trầm trọng thêm khủng hoảng về năng lượng, lương thực trên phạm vi toàn cầu. Song, chính trong hoàn cảnh đó, người Việt đã cho thấy nỗ lực vượt lên khó khăn và tinh thần hướng về gia đình.

Kiều bào nỗ lực vượt khó nơi xứ người

Gia đình chị Lại Thị Hạnh trong căn nhà mới ở Tokyo, Nhật Bản

Nỗi lo giá cả

Anh Nguyễn Thế Long, học viên cao học tại Washington DC (Mỹ), cho biết lạm phát đã tác động lớn tới chi tiêu hằng ngày của anh. Câu cửa miệng của anh và bạn bè trong năm qua là “Fed tăng lãi suất hoài mà lạm phát vẫn chưa giảm nổi”, đề cập các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). “Tôi đi siêu thị bán sỉ để mua được giá rẻ hơn, đồng thời học cách lên danh sách những thứ mình cần trước khi đi chợ để tiết kiệm chi phí”, anh Long kể.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, anh Dương Tuấn (giảng viên đại học tại London, Anh) cũng tìm cách cắt giảm chi phí trong bối cảnh lạm phát đạt mức cao nhất 40 năm qua. Anh Tuấn cho biết từ tháng 4, giá điện, gas và xăng bắt đầu tăng cao, chi phí cho thực phẩm cũng liên tục leo thang, nhưng khó khăn lớn nhất là tiền thuê nhà tăng theo. “Hiện tại là mùa đông, nhu cầu sử dụng điện hoặc gas để sưởi ấm gia tăng, khiến chi phí sinh hoạt càng bị đội lên. Tôi đã phải cắt giảm chi phí đi lại, mua đồ ăn rẻ hơn, đồ giảm giá hoặc hết hạn cuối ngày”, anh Tuấn kể.

Kiều bào nỗ lực vượt khó nơi xứ người

Chị Mai Trâm tại Đức

Một số người Việt cho biết tình hình tại nơi họ sống đã bình thường trở lại, sau một thời gian chứng kiến hàng hóa trở nên khan hiếm vì chiến sự ở Ukraine. Giá cả thực phẩm tuy có tăng nhưng vì là nhu cầu thiết yếu nên cũng không thể cắt giảm quá nhiều. “Ngày trước đi siêu thị mua 1 xe đầy thì mất khoảng 60 – 80 euro (khoảng 1,4 – 1,9 triệu đồng), nay có thể lên hơn 100 euro. Đương nhiên là còn tùy mình mua những gì, nhưng đó là những nhu cầu thiết yếu nên gia đình vẫn đi chợ như bình thường, chứ cũng không thể cân đo đong đếm quá nhiều”, chị Mai Trâm, sống ở tây nam nước Đức, cho biết.

Tìm thấy cơ hội

Năm 2022 cũng là năm chứng kiến sự rớt giá nghiêm trọng của các đồng tiền mạnh như euro ở châu Âu hay yen của Nhật. Tiền tệ mất giá đã ảnh hưởng nhiều lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, nhất là những người thường xuyên gửi tiền về quê nhà. “Khó khăn lớn nhất trong năm qua có lẽ là chuyện yen rớt giá kỷ lục, ảnh hưởng đến thu nhập. Nếu quy ra tiền Việt thì mỗi tháng tôi mất đi khoảng 13 triệu đồng”, anh Huỳnh Anh Tuấn, thực tập sinh hiện làm việc tại tỉnh Aichi của Nhật, nói với Thanh Niên.

Kiều bào nỗ lực vượt khó nơi xứ người

Anh Huỳnh Anh Tuấn tại Aichi, Nhật Bản

Song, một số người cũng nhìn thấy cơ hội từ chuyện này. Chị Hạnh ở Tokyo cho biết chị và chồng đã mua nhà ở Tokyo vào tháng 8 vì nếu tính ra, chị có thể tiết kiệm đến 2 tỉ đồng so với trước khi yen rớt giá. Do đó, chị quyết định dùng số tiền tiết kiệm được và vay thêm ngân hàng 50% với lãi suất gần như bằng 0 để mua nhà. “Số tiền tôi phải trả cho ngân hàng mỗi tháng tính ra cũng ngang ngửa tiền đi thuê nhà nên tôi đã quyết định mua nhà”, chị nói.

Trước đó, khi những hạn chế xuất nhập cảnh vẫn còn được áp dụng, vợ chồng chị đã bắt đầu mở dịch vụ giúp vận chuyển hàng hóa từ Nhật Bản về Việt Nam. Năm nay, khi biên giới các nước được mở trở lại, chị tập trung vào việc cung cấp hàng nội địa Nhật cho những người kinh doanh online trong nước.

Hướng về gia đình

Chị Hạnh cho biết không phải mọi thứ hiện có đều đến dễ dàng với chị. Trong thời gian đầu dịch Covid-19 bùng phát tại Nhật vào năm 2020, chị đã phải sinh con mà không có người thân bên cạnh, rồi gặp nhiều khó khăn về tài chính vì thu nhập gần như không có. “Tôi rơi vào trầm cảm, nhưng nghĩ đến bố mẹ ở Việt Nam, tôi lại gắng gượng. Gia đình là động lực lớn nhất của tôi trong những ngày tháng đó”, chị nói.

Kiều bào nỗ lực vượt khó nơi xứ người

Anh Nguyễn Thế Long tại Washington DC, Mỹ

Đứng trước những khó khăn trong năm qua, anh Tuấn cũng từng nghĩ đến việc về nước, nhưng cuối cùng anh học cách thích nghi với tình hình thay vì để cuộc sống bị đảo lộn. Với anh, gia đình cũng là chỗ dựa lớn nhất. “Những lúc khó khăn, tôi luôn hướng về nguồn cội, gia đình. Đó là chỗ dựa vững chắc để tôi cố gắng phấn đấu nhiều hơn”, anh nói.

Nếu không có lạm phát thì anh Long có thể đã tiết kiệm đủ tiền để về Việt Nam thăm gia đình vào mùa hè vừa rồi. Nhưng vật giá leo thang, anh ưu tiên để dành tiền phòng thân vì “chẳng ai biết giá cả còn leo tới cỡ nào”. “Tôi cũng muốn về thăm nhà, mong năm nào cũng được gặp ba mẹ ít nhất một lần”, anh nói.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...