Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM), năm 2023, TP.HCM xảy ra 186 vụ với 196 nạn nhân (57 nam, 139 nữ). Trong số đó, có 155 vụ xâm hại tình dục và 16 vụ liên quan đến bạo lực, bạo hành.
Riêng 5 tháng đầu năm 2024, TP.HCM xảy ra 45 vụ với 46 nạn nhân (4 nam, 42 nữ). Trong đó, nhóm các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất (40 vụ).
Dù số liệu giảm so với năm 2022, nhưng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) cũng cảnh báo về nguy cơ xâm hại trẻ em ngày càng tăng.
Nguy cơ xâm hại trẻ em qua mạng xã hội
Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM), có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, tái diễn nhiều lần với nhiều nạn nhân nhưng thời gian rất lâu sau đó mới được phát hiện.
Chưa kể, tội phạm xâm hại trẻ em ngày nay còn lợi dụng mạng xã hội. Thủ đoạn chính của các đối tượng là lập phòng chat ảo, game online, diễn đàn để thu thập thông tin cá nhân của các em. Các đối tượng cũng tạo tài khoản ảo để tiếp cận, làm quen, đánh vào tâm lý, khiến trẻ em tin tưởng, thậm chí coi như thần tượng, "soái ca".
Sau đó, các đối tượng lừa gạt, dụ dỗ trẻ em nhằm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, môi giới mại dâm, mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động.
Có nhiều đối tượng tiếp cận làm quen với trẻ, sau một thời gian trò chuyện về sở thích, học hành thì chuyển sang trò chuyện về giới tính, muốn trao đổi hình ảnh những bộ phận nhạy cảm cho nhau. Sau khi có được một số hình ảnh của trẻ, các đối tượng ép buộc trẻ phải cho quan hệ tình dục (kể cả cưỡng đoạt tài sản), nếu không sẽ phát tán những hình ảnh đó trên các trang web, mạng xã hội.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM), có trường hợp dụ dỗ trẻ em bằng vật chất, tài khoản game ảo nâng cấp… với điều kiện trẻ phải gửi hình ảnh khỏa thân, video clip nhạy cảm của mình cho chúng hoặc hẹn đến nơi kín đáo do chúng hẹn để chụp ảnh, sau đó thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, cưỡng đoạt tài sản, môi giới mại dâm hoặc mua bán người vì mục đích mại dâm.
Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) cho rằng cần nhiều hơn nữa chiến lược truyền thông, đặc biệt là trong trường học, để các cháu nhận thức được về an toàn mạng, các hành vi xâm hại tình dục và biện pháp phòng chống.
Tương tự ý kiến này, dẫn chứng trường hợp Công an Q.1 bắt Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, bắt cóc 2 trẻ em ở phố đi bộ Nguyễn Huệ) hồi đầu tháng 4.2024, bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM, cũng cảnh báo về loại tội phạm mới: bắt cóc trẻ em để quay phim khiêu dâm.
Do đó, các cơ quan hữu quan cần quan tâm phòng ngừa hơn nữa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trực tuyến.
Nhiều vụ xâm hại diễn ra trong thời gian dài nhưng lâu sau đó mới phát hiện
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho biết hiện nay TP.HCM có hơn 1,9 triệu trẻ em (trẻ dưới 16 tuổi). Trong đó, có 9.804 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và 25.503 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Tình hình tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố thời gian qua dù giảm về số vụ, nhưng với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em phổ biến là xâm hại tình dục (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô), đánh đập, chửi bới. Độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16 và phần lớn là trẻ em gái.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, gồm cả người lao động phổ thông, trình độ dân trí thấp cho tới những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội.
Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình. Một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm.