Nhiều chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cho ngành dịch vụ cảng biển, logistics.
Thiếu “quân” tinh nhuệ
Sau dịch COVID-19, giá cước vận tải biển liên tục đảo chiều và có những diễn biến tiêu cực. Để thoát thế phụ thuộc vào các hãng tàu ngoại, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động củng cố đội tàu để tăng sức đề kháng trong sự bất ổn của thị trường vận tải biển. Tuy nhiên, ngoài vốn đầu tư, các doanh nghiệp lại gặp khó khăn rất lớn về nguồn nhân lực logistics.
Ông Bùi Mạnh Cường – Trưởng phòng Kinh doanh một doanh nghiệp vận tải biển cho biết, trong nhiều tháng qua, đơn vị này tuyển dụng thêm 6 vị trí để biên chế cho 01 tàu 3 vạn tấn chạy tuyến Đông Nam Á nhưng vẫn chưa tuyển đủ. “Sau khi cước vận tải tăng cao, các thuyền viên được đào tạo bài bản chạy sang đầu quân cho các hãng tàu nước ngoài với mức lương khá cao. Trong khi đó, lượng thuyền viên đầu vào khá ít và không đáp ứng được yêu cầu, nhất là về ngoại ngữ. Vì thế, các doanh nghiệp nội đang rất khó khăn về nhân lực hàng hải,” ông Cường cho biết.
Ông Hoàng Hồng Giang – Cục phó Cục hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp cảng biển gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng các lao động có trình độ chuyên môn về cảng biển và logistics. Chỉ khoảng 10% lao động logistics được đào tạo đúng ngành nên doanh nghiệp thường mất từ 1-2 năm để đào tạo lại sau khi tuyển dụng. Hệ thống đào tạo này chỉ ở trong từng doanh nghiệp. Theo khảo sát, số lao động phục vụ cho một doanh nghiệp cảng biển hiện dao động từ 300 - 1.000 người/cảng. Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cầu cảng. Số lượng hàng hoá qua cảng đến năm 2030 chúng ta đang phấn đấu đạt khoảng 1,5 tỷ tấn/năm và số lượng container nâng lên 54 triệu TEUS/năm. Do vậy, chưa kể trong hệ thống kho bãi logistics và hậu cần sau cảng, nguồn nhân lực chuyên ngành cho cảng biển nhất thiết phải tăng. Mặc dù nhu cần nhân lực là rất lớn, nhưng năng lực đào tạo nguồn nhân lực của ngành cảng còn hạn chế”.
Ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, theo Sách trắng Logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam, đến năm 2025, TP. Hải Phòng sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics. Trong đó, có 252.600 lao động đã qua đào tạo. Con số này sẽ tăng lên 460.000 lao động vào năm 2030, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics của Hải Phòng mới chỉ đáp ứng khoảng 40 - 45% nhu cầu thị trường. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách về sự phối hợp, liên kết, đầu tư đối với công tác đào tạo giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan.
Tăng cường đào tạo
Tại hội thảo “Công bố Báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng tại Việt Nam giai đoạn 2024 – 2028” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia tổ chức, các chuyên gia dự báo kỹ năng ngành cảng trong giai đoạn sắp tới cũng giúp các địa phương có những kế hoạch dài hơi hơn để phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích và có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước ký kết trực tiếp với các nhà khoa học, các trường, viện trong việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nội địa hóa công nghệ để cạnh tranh với nước ngoài.
Ông Hoàng Hồng Giang cho biết, hiện Cục hàng hải Việt Nam đang quản lý 2 trường cao đẳng gồm: Trường Cao đẳng Hàng hải 1 (trụ sở tại TP. Hải Phòng) và trường Cao đẳng Hàng hải 2 (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh). Hai trường này mới chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 200 - 300 người/năm. Theo báo cáo của Trường Cao đẳng Hàng hải 1, được sự hỗ trợ của chương trình Aus4Skills, nhà trường đã nhận chuyển giao khoá học vận hành xe nâng và các nội dung logistics và dự kiến thời gian tới sẽ thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho lao động cảng kỹ năng quan trọng này tại trung tâm logistics hiện đại vừa đưa vào sử dụng đầu năm 2024.
“Chúng tôi cũng hy vọng việc này sẽ giải quyết phần nào việc thiếu hụt nhân lực không chỉ đối với ngành cảng và ngành logistics. Với vị trí của mình, Việt Nam có thể có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm logisitcs lớn của khu vực cũng như đón nhận sự dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia về Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chúng ta rất thiếu nguồn nhân lực logistics đã qua đào tạo chuyên nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tăng cường đầu tư cho đào tạo, thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các doanh nghiệp cảng biển, logistics, cơ sở đào tạo nhằm đảm bảo cho sinh viên được đào tạo các kĩ năng phù hợp nhằm đáp ứng được yêu cầu của ngành,” ông Giang cho biết thêm.
Còn ông Hoàng Minh Cường cho biết: “TP. Hải Phòng đang chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là cho công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cảng biển, logistics; đồng thời, phát triển đội ngũ kỹ sư, các nhà quản trị có khả năng ứng dụng công nghệ và phát triển các dịch vụ hiện đại như ngân hàng, tài chính, logistics, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phân phối bán lẻ, tư vấn, dịch vụ phát triển kinh doanh. Hiện nay, TP. Hải Phòng đang tăng cường mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế về đào tạo nhân lực có tay nghề cao, nhân lực khoa học và công nghệ biển; thực hiện đặt hàng đào tạo nhân lực trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cấp độ quốc gia, quốc tế”.