Theo luật sư Trần Mạnh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), Nghị định 12 sửa đổi bổ sung nghị định số 44 quy định về giá đất ban hành ngày 5.2 đã bổ sung quy định cụ thể các phương pháp xác định giá đất, điều kiện áp dụng, trình tự, nội dung xác định giá đất theo các phương pháp khác nhau. Như vậy, việc xác định giá khởi điểm đấu giá được quy định rõ ràng, chi tiết và minh bạch. Vấn đề còn lại là cần cụ thể hóa các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực và sự quan tâm thực chất.
Để làm được điều này, luật sư Trần Mạnh Cường lưu ý, cần cân nhắc tiêu chí kết quả hoạt động kinh doanh trong những năm gần nhất, thời gian hoạt động của doanh nghiệp, tổng vốn, số lượng dự án bất động sản đã từng thực hiện. Tiếp đó là về khả năng thực hiện dự án. Có thể sàng lọc bằng cách thông qua kế hoạch phát triển dự kiến của họ trên khu đất tham gia đấu giá, như điều kiện về vốn chủ sở hữu, kế hoạch thu xếp vốn chi trả tiền sử dụng đất, khả năng huy động vốn phát triển dự án. Ngoài ra, cần nghiên cứu khả thi của phương án kinh doanh và phát triển. Việc sàng lọc này giúp tránh những đơn vị có khả năng gây nhiễu loạn thị trường.
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam phân tích, giá khởi điểm thường được xác định dựa trên phương pháp thặng dư. Phương pháp này ước tính tổng chi phí phát triển trên cơ sở hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, thông số quy hoạch này chưa chắc đã phải là kế hoạch sử dụng đất có hiệu quả cao nhất, phù hợp thị trường nhất. Ví dụ, những lô đất có diện tích thương mại như văn phòng hay khách sạn quá cao ở những khu vực không phát triển hai loại hình này.
Do đó, khi xác định giá đất, có thể sẽ dẫn đến sự khác biệt giữa giá khởi điểm đưa ra và giá thị trường mà các nhà đầu tư có thể đấu giá được. Điều này dẫn đến khả năng cuộc đấu giá không thành công, do giá khởi điểm không hấp dẫn nhà đầu tư. Cần có quy hoạch phù hợp và đơn giá khởi điểm hợp lý. Ngoài đơn vị chủ quản và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cần có sự tham gia của các đơn vị tư vấn chuyên môn (quy hoạch và thị trường), am hiểu phát triển.
Liên quan đến số tiền đặt cọc khi đấu giá đất, theo luật Đấu giá tài sản hiện hành, tại điểm khoản 1 điều 39, khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu 5% và tối đa 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Trong khi đó, Nghị định 10 quy định tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đặt trước khoản tiền bằng 20% giá khởi điểm, quy định này đã được áp dụng từ 20.5.2023.
Luật Đất đai quy định việc đấu thầu theo quy định của luật Đấu giá tài sản. Do đó, để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi, có thể cân nhắc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10%, thay vì 5% khi đấu giá quyền sử dụng đất. Cũng cần có thêm quy định về chế tài xử phạt trường hợp trúng đấu giá mà bỏ cọc.