Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia VN, tổng lượt khách quốc tế đến VN trong 4 tháng đầu năm đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023, và tăng 3,9% so với thời điểm hoàng kim của ngành du lịch năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Năm thị trường trọng điểm hàng đầu của du khách quốc tế đến VN trong giai đoạn vừa qua bao gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông và Philippines. Sự tăng trưởng ấn tượng nhất còn đến từ các thị trường mới nổi. Theo nền tảng Klook ghi nhận, khách Indonesia dẫn đầu với mức tăng trưởng nhu cầu du lịch đến VN gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đài Loan theo sau với mức tăng trưởng gấp 5 lần và châu Âu xếp vị trí thứ ba với mức tăng trưởng gấp 4 lần. Những con số này cho thấy nguồn khách du lịch quốc tế đến VN đang có sự đa dạng hóa mạnh mẽ.
Nổi bật nhất phải kể đến Phú Quốc (Kiên Giang). Nếu như trước đây, người dân Phú Quốc hay kháo nhau "bước chân ra đường là gặp khách Nga" thì sau thời gian nguồn khách này sụt giảm vì nhiều lý do, khoảng trống đã dần được đảo ngọc lấp đầy. Trong 4 tháng đầu năm, Kiên Giang đón 221.657 lượt khách Hàn Quốc, so với 83.600 khách trong 4 tháng đầu năm 2023 thì tỷ lệ tăng lên tới 165%. Đặc biệt, khách Đài Loan tới Kiên Giang tăng trưởng dựng đứng tới 1.100%, từ 6.838 lượt 4 tháng đầu năm 2023 lên 82.135 lượt 4 tháng đầu năm 2024. Thống kê cho thấy, khoảng 90% lượng khách Hàn Quốc và Đài Loan nói trên đã tới Phú Quốc.
Tương tự, nếu như cùng kỳ năm ngoái, hàng loạt cơ sở lưu trú tại Nha Trang - Khánh Hòa còn đang ngóng khách từ Trung Quốc đại lục; chuỗi nhà hàng và hệ thống massage dọc bờ biển chỉ dám mở lại 60% hoạt động vì chưa có nhiều khách quốc tế thì đến giờ này, hoạt động du lịch tại thành phố biển gần như đã trở lại sôi động hoàn toàn như thời kỳ trước dịch Covid-19. Hiện nay, mỗi ngày có 17 chuyến bay từ Hàn Quốc, 16 chuyến bay từ Trung Quốc đến Khánh Hòa; các thị trường Thái Lan, Kazakhstan, Malaysia từ 5 - 7 chuyến/tuần.
Thị trường khách Nga tuy vẫn còn nhiều khó khăn do các chuyến bay thẳng chưa được tổ chức trở lại nhưng từ cuối tháng 2, Hãng hàng không IrAero Airlines (Nga) đã khai thác chặng bay Irkutsk (Nga) - Thạch Gia Trang (Trung Quốc) - Cam Ranh với tần suất 1 chuyến/tuần. Chi nhánh Vietravel Nha Trang cũng có kế hoạch phối hợp với đối tác Nhật Bản tổ chức 6 chuyến bay charter đưa khách Nhật đến nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa trong năm nay.
Với Quảng Nam, cơ cấu thị trường khách cũng đa dạng, cân bằng hơn. Từ nửa cuối 2023 đến nay, Hàn Quốc vẫn là thị trường khách lớn nhất với tỷ lệ hơn 22% nhưng không còn quá áp đảo như trước (những năm 2018 - 2019, có thời điểm thị trường này chiếm đến 32 - 33% tổng cơ cấu khách quốc tế đến Quảng Nam). Trong top 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Quảng Nam hiện diện đủ các nhóm khách, bao gồm các thị trường truyền thống như Anh, Úc, Mỹ, Đức; có nhóm thị trường Đông Bắc Á - Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Đài Loan; bên cạnh đó còn có thị trường ASEAN với Malaysia và Thái Lan; đặc biệt là thị trường mới nổi Ấn Độ cũng góp mặt trong danh sách này.
Du lịch nội khối lên ngôi, khách xa ồ ạt kéo về
Lý giải mức tăng trưởng đột biến của các dòng khách từ Đài Loan, Indonesia, Hàn Quốc và mới nhất là thị trường Ấn Độ, ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Consulting, nhận định đây là kết quả xác thực cho xu hướng du lịch nội khối lên ngôi. Cụ thể, du khách sẽ ưu tiên các chuyến đi sử dụng đường bay ngắn (1 - 2 giờ, không quá 8 giờ) tới các điểm đến nằm trong khu vực. Đơn cử, 40% khách quốc tế đến khu vực Đông Nam Á năm 2023 là từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương (chưa tính Trung Quốc); hơn 50% khách du lịch của thị trường châu Âu đến từ các nước thuộc châu lục này. Với riêng VN, thị trường nội khối hiện chiếm tới 81% tổng lượng khách quốc tế. Xu hướng này càng được đẩy nhanh, mạnh hơn do tác nhân dịch bệnh và được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới vì ảnh hưởng từ các cuộc xung đột địa chính trị lan rộng, kéo theo khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mức ngân sách chi tiêu cho du lịch ngày càng thắt lại.
"Dự báo tới năm 2027, châu Á sẽ là thị trường có quy mô và mức chi tiêu lớn nhất trên thế giới, nhất là trong bối cảnh bùng nổ của thị trường Ấn Độ cùng sự quay trở lại của khách Trung Quốc. Chưa kể, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu mới ở châu Á đang rất mạnh mẽ. Vì thế, nguồn khách từ thị trường châu Á sẽ tiếp tục lên ngôi và vẫn là "mỏ vàng" chính để ngành du lịch VN khai thác", ông Đặng Mạnh Phước nhìn nhận.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các thị trường xa, ngoại khối như khu vực châu Âu, châu Mỹ không tăng trưởng. Thực tế, khi khách Hàn Quốc sụt giảm thì sự trở lại của khách Âu, Úc là những thay đổi mang tính bước ngoặt của du lịch Quảng Nam trong những tháng đầu năm nay. Bà Phan Thị Ngọc Lan, Tổng giám đốc Hội An Beach Resort, thông tin từ đầu năm đến nay lượng khách đăng ký lưu trú khách sạn khá đông, bình quân trên 50%, hầu hết đến từ thị trường châu Âu và Úc, một số thời điểm công suất phòng đạt hơn 90%. Năm 2023, tỷ lệ lấp phòng của Hội An Beach chỉ đạt gần 40%.
Theo bà Lan, yếu tố khiến dòng khách Âu, Úc quay lại Hội An trước hết là nhờ thương hiệu điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện… Bên cạnh đó, một số hãng bay châu Âu sau thời gian ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột, khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu tăng cường khuyến mãi, kích cầu giúp vé máy bay có giá tốt hơn. "Mấu chốt là chính sách visa thông thoáng, giúp khách có nhiều thời gian hơn trong hành trình tham quan du lịch khi đến VN. Tại Hội An Beach, trung bình ngày lưu trú của khách Âu, Úc khoảng 3 - 4 đêm, thậm chí có khách đăng ký lưu trú 10 - 15 ngày, cá biệt trên 20 ngày", bà Phan Thị Ngọc Lan thông tin thêm.
Khảo sát sơ bộ một số doanh nghiệp và điểm tham quan trên địa bàn TP.Hội An, hầu hết chứng kiến lượng khách Âu, Úc quay lại khá đông, chủ yếu là người lớn tuổi. Một số điểm đến được ưa chuộng như làng rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, rừng dừa nước Cẩm Thanh… Riêng tại làng rau Trà Quế, 3 tháng đầu năm ước tính đón hơn 7.000 lượt khách Âu, Úc, tăng gần 122% so với cùng kỳ 2023, thậm chí cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 11%. Tương tự, tại rừng dừa nước Cẩm Thanh, khách châu Âu đã vươn lên chiếm vị trí thứ hai trong cơ cấu khách chỉ sau Hàn Quốc và trên cả khách Việt.
Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia cũng ghi nhận trong 4 tháng qua, các thị trường khách ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, như Pháp tăng 29,3%, Ý tăng 27,1%, Anh tăng 15%, Đức tăng 15,8%... Đây là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh VN với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày.
"Trái ngọt" từ hoạt động quảng bá, xúc tiến hiệu quả
Có thể thấy, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều hãng hàng không và lữ hành đã chủ động tìm kiếm những thị trường tiềm năng mới như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Úc… bằng việc tăng tần suất các chuyến bay thẳng giữa hai bên. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng của thị trường được đẩy nhanh đột biến. Điển hình nhất phải kể đến thị trường Ấn Độ. Trước dịch, khách Ấn dường như "tàng hình" trên bản đồ thị trường nguồn của du lịch VN. Phải đến cuối năm 2019 khi Vietjet khai trương hai đường bay đầu tiên kết nối TP.HCM, Hà Nội - New Delhi, VN mới chính thức có đường bay thẳng tới Ấn Độ.
Đến nay, Vietjet và Vietnam Airlines đã và đang khai thác tổng cộng hơn 10 đường bay kết nối nhiều điểm đến du lịch của chúng ta với các thành phố nổi tiếng của Ấn Độ, mở đường cho hàng loạt chương trình xúc tiến điểm đến mạnh mẽ từ cấp quốc gia tới địa phương. Nếu 4 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách Ấn đến VN qua đường hàng không (chỉ tính các hãng hàng không VN) mới đạt hơn 220.000 lượt thì 4 tháng đầu năm nay, ngành du lịch nước ta đã đón gần 350.000 lượt khách Ấn, tăng gần 40%.
Đại diện Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nhận định: Năm 2024 đánh dấu một năm có nhiều người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài nhất trong lịch sử. Tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ đang gia tăng nhanh chóng (dự kiến có thêm gần 20 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu trong vòng 5 năm tới), giao thông thuận tiện, nhu cầu du lịch mạnh mẽ… là những yếu tố thúc đẩy mức tăng trưởng kỷ lục này. Từ sau khi bổ sung các chuyến bay thẳng, VN đã chứng kiến lượng du khách Ấn Độ tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Điều này cũng củng cố sức mạnh của nhu cầu đi lại trong khu vực.
Nhìn tổng quan thị trường, đại diện Vietnam Airlines nhìn nhận khách du lịch từ các thị trường quốc tế đến VN nói chung đều tăng trưởng, trong đó khách từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ chiếm số lượng đông đảo, do thị hiếu về điểm đến VN đang tăng nhanh tại các khu vực thị trường này. Đặc biệt công tác xúc tiến các điểm đến biển như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… được chú trọng trong thời gian qua đã bước đầu mang đến "trái ngọt".
"Với chính sách visa được tháo bỏ, Phú Quốc có ưu thế hơn các điểm đến khác và đến nay đang tiếp nhận nhiều chuyến bay thẳng - cả thường lệ và thuê chuyến của các hãng hàng không trong nước cũng như nước ngoài. Trong giai đoạn tới, VN được đánh giá sẽ trở thành điểm đến được ưa chuộng tại khu vực Đông Nam Á và có tiềm năng thay thế Thái Lan nếu chúng ta có chính sách đồng bộ về phát triển hạ tầng phục vụ du lịch. Đồng thời, tiếp tục có các cơ chế hỗ trợ để kích cầu du lịch từ các bộ, ban ngành, các địa phương cùng các doanh nghiệp lớn", đại diện Vietnam Airlines đề xuất.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure, cũng nhấn mạnh công tác xúc tiến, quảng bá là một trong những điểm mấu chốt để hút khách quốc tế đến VN trong bối cảnh xu hướng du lịch thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Hành vi du lịch từ sau đại dịch đã thay đổi rất nhiều. Du lịch tự túc bùng nổ, việc tìm kiếm các chuyến đi dựa trên các nền tảng trực tuyến gần như chiếm lĩnh toàn bộ xu hướng tìm kiếm của khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp nếu muốn tiếp cận nhiều luồng khách mới buộc phải chuyển sang mô hình B2C - bán trực tiếp sản phẩm cho khách hàng. Điều này đòi hỏi mỗi công ty phải làm thật tốt từ marketing đến sản phẩm, phân phối, dịch vụ bán hàng... Trong đó, yếu tố tiên quyết là công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá thương hiệu. Phải để du khách biết điểm đến có gì, để họ tìm kiếm chúng ta.
"Tìm kiếm từ khóa của một số điểm đến có thể thấy Bangkok có 1,3 triệu lượt tìm kiếm trong 1 tháng, Chiang Mai có hơn 419.000 lượt; trong khi TP.HCM tìm cả hai từ khóa "Hochiminh City" và "Saigon" cũng mới được 500.000 lượt tìm kiếm. Chúng ta mong vượt Bali nhưng lượng tìm kiếm của hòn đảo này còn "khủng" hơn, tới 3,1 triệu, gấp rất nhiều lần so với TP.HCM hoặc các địa phương khác của VN. Đó là lý do vì sao họ đón khách nhiều hơn mình. Không làm tốt khâu giới thiệu điểm đến, xây dựng thương hiệu điểm đến thì chúng ta có gì cũng vô nghĩa. Du khách không tìm kiếm thì doanh nghiệp cung cấp gì cũng khó tiếp cận, khó có khách", ông Nguyễn Châu Á dẫn chứng.
Từ đó, ông đề xuất ngành du lịch cần phân loại nhóm thị trường trọng điểm và có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp cho từng thị trường. Có thể phân loại thành các thị trường khách nói tiếng Anh, thị trường khách nói tiếng Hoa... và các thị trường khác. Song song, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với từng thị trường để đáp ứng nhu cầu cho từng đối tượng khác nhau, không nên gom chung sản phẩm dành cho khách Á Đông với khách Âu - Mỹ vì nhu cầu của họ hoàn toàn khác nhau. Đồng thời, xây dựng các chiến lược marketing điểm đến bài bản, có mục tiêu và kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu.
Mở khóa visa để tăng nguồn khách Tây
Chúng tôi vừa tham gia Hội chợ Du lịch tàu biển quốc tế (SEATRADE). Đối tác Mỹ quan tâm tour tàu biển tới VN lắm, nhưng cản trở lớn nhất khiến họ còn lưỡng lự chưa mở tuyến tàu là vì visa. Mỗi tàu biển mang theo hàng ngàn khách, thủ tục visa là "ớn" nhất. Khách Mỹ, châu Âu thường đi du lịch dài ngày, 2 - 3 tuần, thậm chí kéo dài nhiều tháng. Họ đã mất công bay xa thì thường muốn trải nghiệm nhiều nước, đi liên tuyến. Thế nhưng tàu cập bến VN phải xin visa, đến Myanmar xin visa tiếp, rồi sang Lào cũng vậy..., vừa khó, vừa tốn thêm tiền. Trong khi đó, năm vừa rồi Saigontourist đón tới 2 - 3 tàu đưa gần chục ngàn khách Đức tới VN, đơn giản là vì họ không cần visa. Nói vậy để thấy thủ tục visa là chìa khóa vô cùng quan trọng. Mở được khóa này thì lượng khách Tây tới VN sẽ tăng rất nhiều, cả bằng đường không lẫn đường biển.
Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist
Du lịch quốc tế đạt 97% mức trước đại dịch trong quý 1/2024
Theo Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc (UN Tourism), trong quý 1/2024 đã có hơn 285 triệu khách du lịch quốc tế trên toàn cầu, hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 97% mức trước đại dịch. Trong đó, Trung Đông là khu vực đạt mức tăng trưởng mạnh nhất, đón lượng khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm 2024 vượt 36% mức trước đại dịch. Châu Âu là khu vực điểm đến lớn nhất thế giới lần đầu tiên vượt mức trước đại dịch trong một quý (tăng 1% so với cùng kỳ 2019). Khu vực này ghi nhận đón 120 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 3 tháng đầu năm, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ du lịch nội vùng. Trong khi đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của du khách quốc tế, lượng khách đến đạt 82% mức trước đại dịch trong quý 1. Theo dự báo của UN Tourism, du lịch quốc tế năm 2024 sẽ phục hồi hoàn toàn với lượng khách đến tăng 2% so với mức trước đại dịch.