Diễn đàn WEEE (Diễn đàn thiết bị điện và rác thải điện tử), một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, ước tính rằng hơn 5 tỷ điện thoại di động bị vứt bỏ chỉ trong năm nay. Nếu những chiếc điện thoại này được xếp chồng lên nhau, thì sẽ cao 50.000 km – bằng 1/8 quãng đường tới Mặt trăng.
Theo WEEE, các hộ gia đình tại Châu Âu sở hữu trung bình 74 sản phẩm điện tử, 17 sản phẩm trong số đó không được sử dụng và bị bỏ quên trong ngăn kéo hay tủ quần áo. Hầu hết trong số này là các thiết bị điện tử tiêu dùng nhỏ như tai nghe, dây cáp, ổ cứng gắn ngoài và điện thoại thông minh.
Tổng giám đốc của WEEE, Pascal Leroy cho biết trong một tuyên bố vào ngày quốc tế về chất thải Điện tử (14 tháng 10): “Mọi người có xu hướng không nhận ra rằng tất cả những mặt hàng tưởng chừng như không gây hại này lại là mối hiểm hoạ ở cấp độ toàn cầu. Chúng cũng có nhiều khả năng bị bỏ đi và tập kết cho các bãi chôn lấp hoặc đốt thay vì được tái chế đúng cách.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Skynews)
Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), một cơ quan của Liên Hợp Quốc, giám sát chặt chẽ chất thải điện tử, trong báo cáo mới nhất về rác thải điện tử toàn cầu, ước tính rằng ở châu Âu, một người đã tạo ra hơn 16 kg chất thải điện tử vào năm 2019 - tỷ lệ tạo ra chất thải điện tử trên đầu người cao nhất thế giới.
Châu Đại Dương đứng thứ hai (16,1 kg/người), tiếp theo là Châu Mỹ (13,3 kg/người), trong khi Châu Á và Châu Phi lần lượt tạo ra 5,6 và 2,5 kg/người.
Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho rằng điều này chủ yếu là do thiếu cơ sở hạ tầng thu gom rác thải điện tử hiện đại, sự cạnh tranh từ những người thu gom phế liệu kim loại và thiếu sự thực thi của chính quyền.
Rác thải điện tử không được tái chế sẽ được tích trữ trong nhà của chúng ta hoặc ném vào thùng để chôn lấp hoặc đốt.
Tuy nhiên, Châu Âu cũng có tỷ lệ thu gom và tái chế chất thải điện tử cao nhất thế giới, ở mức 42,5%. Châu Á đứng thứ hai với 11,7%, Châu Mỹ; Châu Đại Dương lần lượt ở mức 9,4% và 8,8%; Châu Phi có tỷ lệ thấp nhất là 0,9%. Nhưng dữ liệu do EU tổng hợp cho thấy hầu hết các quốc gia thành viên đều không đạt được mục tiêu thu thập 65% của khối.
Rác thải điện tử thường chứa các chất độc hại và là vấn đề đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng. Mặc dù Châu Âu đứng đầu về lượng chất thải điện tử được tạo ra trên đầu người, nhưng các nước này cũng đang nỗ lực tìm ra những giải pháp tái chế và thu gom chất thải điện tử để biến đây không còn là mối lo ngại đối với môi trường thế giới bên cạnh khí thải carbon.