Đó là những chia sẻ về chăm sóc sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, miễn dịch cho cơ thể, nhất là ở người lớn tuổi, do các chuyên gia ĐH Y Dược TP.HCM, Viện Thực phẩm Thụy Điển và Nutifood trình bày ngày 23.9, tại TP.HCM.
Theo TS-BS Phạm Lê Duy, giảng viên Bộ môn sinh lý – sinh lý bệnh và miễn dịch, ĐH Y Dược TP.HCM, cuộc sống công nghiệp hiện đại, công việc tất bật, áp lực dễ làm con người bị căng thẳng, lo âu, mất ngủ, tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi, vi khuẩn… – là những yếu tố làm chúng ta giảm sút sức khỏe do hệ miễn dịch bị suy yếu. Khi hệ miễn dịch, sức đề kháng bị suy yếu dẫn đến dễ mắc các bệnh, vì khi ấy cơ thể dễ bị các vi khuẩn, vi rút khi tấn công.
TS-BS Phạm Lê Duy cho rằng, sau đại dịch Covid-19, người ta quan tâm nhiều đến hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể. Bởi những bệnh nhân mắc Covid-19 làm suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng.
Hệ miễn dịch của con người bị ảnh hưởng bởi: môi trường bên ngoài, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, tia cực tím…; môi trường bên trong đó là thiếu ngủ, căng thẳng, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ…
Từ 20 – 50 tuổi, đây là lúc hệ miễn dịch, sức đề kháng của con người tốt nhất, nên nhiều người ít mắc bệnh; sau tuổi 50 thì hệ miễn dịch, sức đề kháng kém dần đi. Do vậy, theo TS-BS Phạm Lê Duy, người lớn tuổi cần có chất lượng cuộc sống tốt, lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ.
TS-BS Phạm Lê Duy cũng khuyến cáo, nhiều người khi còn trẻ hay “phung phí” sức khỏe, hệ miễn dịch của mình, như thức quá khuya lướt mạng, xem phim. Khi còn trẻ, sức đề kháng tốt, nên có thể không mắc bệnh, nhưng việc “phung phí” như thế sẽ ảnh hưởng sức khỏe, hệ miễn dịch của cơ thể về sau, nhất là khi có tuổi.
Lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống đầy đủ giúp duy trì hệ miễn dịch, sức đề kháng để cơ thể khỏe mạnh khi lớn tuổi – Ảnh: Khánh Vy
Các chuyên gia khuyến cáo, chúng ta cần giữ gìn lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống đầy đủ để duy trì hệ miễn dịch, sức đề kháng để cơ thể khỏe mạnh khi về già.
Bà Pernilla Fagerlin, chuyên gia đến từ Viện Thực phẩm Thụy Điển, cho biết nhờ có chế độ dinh dưỡng, mức sống, và môi trường tốt, nên hiện tuổi thọ bình quân của người dân Thụy Điển khá cao (83,35 tuổi), chiều cao bình quân của đàn ông Thụy Điển 1,81 mét. Do tuổi thọ cao, nên hiện nay trong số 10,5 triệu dân của đất nước này có đến 21% dân số trên 65 tuổi.
Số người cao tuổi tăng nên chính phủ cùng các cơ quan liên quan của quốc gia này phối hợp đưa ra các chương trình chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Và theo bà Pernilla Fagerlin, Viện Dinh dưỡng quốc gia Thụy Điển làm nhiệm vụ kết nối các tổ chức để chăm lo sức khỏe tốt cho người cao tuổi.