Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Lâm đã có báo cáo về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sáng 13/6, tại Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Lâm đã có báo cáo về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đầu tư đường sắt đô thị tại TPHCM là cần thiết và cấp bách
Đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, dự án đầu tư đường sắt đô thị tại TPHCM là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và các quy hoạch liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị TPHCM; phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ và quy hoạch TPHCM, thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng trên địa bàn TP…
Cụ thể, về định hướng định hướng phát triển đường sắt đô thị tại TPHCM, đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, TP xác định vai trò của đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của TP; phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của TP trong thời gian tới…
Vì vậy, TP huy động tối đa các nguồn lực phù hợp để tập trung đầu tư, sớm hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, bền vững; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hoạt động kiểm tra, giám sát trong công tác phát triển giao thông đường sắt đô thị; bám sát định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về phát triển đường sắt đô thị.
Cụ thể, TP tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thế, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển ngành công nghiệp đường sắt, từng bước thu hẹp khoảng cách, tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất, chế tạo phương tiện, trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ vận hành, bảo dưỡng đường sắt đô thị.
Ngoài ra, TP huy động tối đa mọi nguồn lực nhà nước, đa dạng hóa phương thức đầu tư hệ thống đường sắt đô thị. Trong đó, Ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn đến năm 2035; xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị của TPHCM.
Về mục tiêu chung, đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, TP xác định phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM; hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của TP, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-50% và sau năm 2035 đạt 50-60%.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2035, TP xây dựng hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị (loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn, tần suất cao), cụ thể: Tuyến đường sắt đô thị số 1 với 40,8km/40,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 2 với 20,22km/62,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 3 với 29,53km/62,17km; Tuyến đường sắt đô thị số 4 với 36,82km/43,4km; Tuyến đường sắt đô thị số 5 với 32,5km/53,87km; Tuyến đường sắt đô thị số 6 với 22,85km/53,8km.
Đến năm 2045, TP sẽ xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08km, cụ thể: Tuyến đường sắt đô thị số 2, với 42,58km; Tuyến đường sắt đô thị số 3, với 32,64km; Tuyến đường sắt đô thị số 4, với 6,58km; Tuyến đường sắt đô thị số 5, với 21,37km; Tuyến đường sắt đô thị số 6, với 30,95km; Tuyến đường sắt đô thị số 7, với 51,23km/51,23km. Đến năm 2060, TP sẽ xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị số 8, số 9, số 10 theo dự thảo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510,02km…
Để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, trong Đề án gồm 6 nhóm với 28 cơ chế; trong đó có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có vị trí địa lý chiến lược, điều kiện tự nhiên thuận lợi
Báo cáo kết quả xây dựng Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, Cảng Cần Giờ được đánh giá là một công trình tầm vóc, mang lại lợi ích lớn cho đất nước. Việc xây dựng cảng đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ định hướng và giao nhiệm vụ nghiên cứu triển khai thực hiện. Vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nơi đây nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế. Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung tiềm năng, tương hỗ đưa cả Cái Mép - Thị Vải trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.
Theo đồng chí Trần Quang Lâm, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có vị trí địa lý chiến lược, gần tuyến hàng hải quốc tế, nơi giao thông liên kết với các tuyên vận tải khác nhau và trong vùng có nhiều trung tâm công nghiệp; có điều kiện tự nhiên thuận lợi như: luồng vào cảng có độ sâu trên 14 mét để đủ khả năng tiếp nhận tàu mẹ có tải trọng từ 100.000 tấn trở lên, đảm bảo dễ dàng tiếp cận và có điều kiện khí hậu, thủy hải văn thuận lợi; có sự tham gia hợp tác đầu tư, vận hành khai thác cảng của hãng vận tải biển lớn; có hệ thống giao thông kết nối đa phương thức, đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng.
Cảng được xây dựng với quy mô lớn, bao gồm cầu cảng, thiết bị công nghệ bốc dỡ hàng hóa được xây dựng đồng bộ, hiện đại có thế đón được các tàu mẹ (tải trọng lớn, sức chứa trên 8.000 Teu đến trên 20.000 Teu) và các khu vực kho bãi chứa hàng hậu phương, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, trung tâm dịch vụ hậu cần, giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ với tiến trình đầu tư khai thác cảng, thủ tục hải quan nhanh chóng.
Ngoài các điều kiện thuận lợi về vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên, luồng hàng..., một yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển một cảng trung chuyển quốc tế đó chính là có sự quan tâm của hãng tàu lớn trên thế giới… Theo đề án, khi cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành sẽ đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 40.000 tỷ đồng/năm, tạo ra việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động. Cảng sẽ thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới; thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM...
Về cơ chế, chính sách, đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, TP thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và các quy định của pháp luật có liên quan trong bước triển khai đầu tư xậy dựng cảng; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT, TPHCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương trong vùng Đông Nam bộ nhằm phát huy hiệu quả lợi thế vùng, tương hỗ trong việc phát triển cảng biển khu vực.
Về đánh giá tác động môi trường, TP sẽ thực hiện đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định pháp luật về môi trường trong bước lập chủ trương đầu tư dự án (báo cáo tiền khả thi), dự án đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu khả thi), đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ…
Cũng theo đồng chí Trần Quang Lâm, đến nay, UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình thẩm định quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất vùng nước cảng biển TP và đề án, để sớm trình Thủ tướng phê duyệt, dự kiến quý 3/2024, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo…
Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI thảo luận, cho ý kiến 9 nội dung trọng tâm
Sáng 13/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (mở rộng).
Cùng dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy;...
Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI tập trung thảo luận và cho ý kiến về 9 nội dung trọng tâm. Cụ thể là thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024; Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Các đại biểu cũng thảo luận cho ý kiến về: Nội dung định hướng chỉ đạo (chủ đề, mục tiêu tổng quát Đại hội), đề cương chi tiết Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 – 2030; Dự thảo các Kế hoạch phục vụ của các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 – 2030 (Kế hoạch chuẩn bị Văn kiện Đại hội; Kế hoạch về công tác nhân sự Đại hội; Kế hoạch chuẩn bị và tổ chức phục vụ Đại hội); Dự thảo Quy chế làm việc của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XI (điều chỉnh, bổ sung); Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó là thảo luận cho ý kiến về: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; Đề án phát triển Hệ thống Đường sắt đô thị TPHCM nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ diễn ra trong 1,5 ngày.
Nguồn: congan.com.vn
Đang gửi...