Hiện nay, TPHCM triển khai thu phí vỉa hè tại một số địa điểm, nhằm mang lại kinh phí đáng kể. Về phía người dân kinh doanh buôn bán nơi vỉa hè được sự "an tâm" khi trả phí đàng hoàng, kinh doanh đúng nơi quy định. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp lấn chiếm gây cản trở về trật tự an toàn giao thông, dẫn đến bị xử phạt.
Lấn chiếm, che chắn gây cản trở giao thông
Ngày 22/5/2024, UBND Q8, TPHCM cho biết, đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính do lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường bộ để kinh doanh. Cụ thể ngày 17/5/2024 vừa qua, hàng loạt trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã bị xử lý nghiêm, trường hợp của ông N.Q.T đã vi phạm sử dụng trái phép hè phố để bày, bán hàng hóa gây cản trở giao thông tại vị trí số 903B đường Tạ Quang Bửu (P5, Q8), bị phạt 2,5 triệu đồng. Hay trường hợp ông H.T.H dùng các vật dụng che chắn khác trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại vị trí trước số 19 đường Quảng Trọng Linh, (P7, Q8), phạt 750.000 đồng... Có trường hợp thi công xây dựng công trình, nhưng lại để vật liệu xây dựng cản trở giao thông, như trường hợp tại vị trí số 1A đường An Dương Vương (P16Q8) của ông L.T.L, bị phạt đến 2 triệu đồng.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức vào chiều 16/5, cho thấy việc sử dụng vỉa hè tại địa bàn trung tâm Thành phố (Q1, TPHCM) đã thu nhiều kết quả khả quan. Với số tiền hơn 431 triệu đồng của 92 trường hợp thuê 747m2 vỉa hè trên địa bàn Q1, cho thấy trên thực tế người dân kinh doanh buôn bán đã thực hiện thuê có phí và từ đó cũng bày biện buôn bán theo trật tự, bảo đảm được trật tự an toàn giao thông... Tuy nhiên, tại nhiều tuyến đường, địa bàn chưa thí điểm cho thuê vỉa hè để kinh doanh, tình trạng bày bán tràn cả ra đường là điều rất dễ nhận thấy. Theo ghi nhận của phóng viên, trên rất nhiều tuyến đường, việc bày bán và lấn chiếm không những vỉa hè, mà xe cộ tràn ra cả lòng đường vẫn còn diễn ra.
Ban An toàn giao thông Thành phố vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2024 với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn". Nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là tập trung quán triệt, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TPHCM. Tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban An toàn giao thông TPHCM, Ban An toàn giao thông các quận, huyện và TP.Thủ Đức đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Xây dựng văn hóa giao thông
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, để xây dựng văn hóa giao thông trong ý thức mỗi người dân, Thành phố cũng đẩy mạnh việc xây dựng mới, chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu. Đồng thời, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền đối với khu vực cửa ngõ thành phố nhằm tạo chuyển biến tích cực, góp phần kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông tại các khu vực này.
Nâng cao hiệu quả quản lý và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kiên quyết xử lý các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, xây dựng cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa các ngành có liên quan phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện giao thông. Định kỳ hàng quý tổ chức họp sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố. Căn cứ vào tình hình trật tự, an toàn giao thông có thể tổ chức họp Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố hoặc họp chuyên đề về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông gắn với chủ đề Năm An toàn giao thông 2024. Thành lập Đoàn kiểm tra giám sát tình hình thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; công tác quản lý, sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn các quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Định kỳ hàng tháng, hàng quý tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả thực hiện cho Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và UBND TPHCM theo quy định. Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt và đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và công tác quản lý, sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè trong năm 2024. Các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông Thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, chương trình.
Nguồn: congan.com.vn
Đang gửi...