Đề xuất hạ mức phạt với vi phạm nồng độ cồn

15:12 - 05/08/2024

Theo đề xuất của Bộ Công an, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất sẽ giảm nhiều lần, tài xế cũng không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ngay lập tức.

Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX). Tại dự thảo, cơ quan này đề xuất nhiều quy định "dễ thở" hơn đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn.

Hạ thấp mức phạt tiền

Theo quy định tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), vi phạm nồng độ cồn được phân chia thành 3 ngưỡng. Thấp nhất là chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở, tiếp theo là vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở, cao nhất là vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đề xuất hạ mức phạt với vi phạm nồng độ cồn

Theo đề xuất của Bộ Công an, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất sẽ giảm nhiều lần (ảnh minh họa)

PHÚC BÌNH

Với ô tô, người điều khiển phương tiện nếu vi phạm ở ngưỡng thấp nhất sẽ bị xử phạt 6 - 8 triệu đồng; các ngưỡng cao hơn thì mức phạt lần lượt là 16 - 18 triệu đồng và 30 - 40 triệu đồng. Với xe máy, mức phạt cũng tương ứng với từng ngưỡng nồng độ cồn, thấp nhất là 2 - 3 triệu đồng, cao hơn là 4 - 5 triệu đồng và 6 - 8 triệu đồng.

Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt tiền đối với ngưỡng vi phạm nồng độ cồn thấp nhất. Với người điều khiển ô tô, mức phạt giảm còn 800.000 đồng đến 1 triệu đồng; với người điều khiển xe máy, mức phạt giảm còn 400.000 - 600.000 đồng. Các ngưỡng vi phạm còn lại, mức phạt vẫn giữ nguyên.

Song song với giảm phạt tiền, Bộ Công an còn đề xuất áp dụng hình thức xử lý trừ điểm GPLX thay cho tước quyền sử dụng GPLX.

Nghị định 100/2019 quy định nếu vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất, người điều khiển phương tiện (cả ô tô và xe máy) sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX 10 - 12 tháng. Với các ngưỡng cao hơn, thời gian tước quyền sử dụng GPLX lần lượt là 16 - 18 tháng và 22 - 24 tháng.

Trong khi đó, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực kể từ 1.1.2025, quy định mỗi GPLX có 12 điểm, điểm GPLX sẽ bị trừ khi người điều khiển phương tiện vi phạm. Để quy định chi tiết điều này, Bộ Công an đề xuất nếu vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất, người điều khiển phương tiện (cả ô tô và xe máy) sẽ bị trừ 2 điểm trên GPLX, ngưỡng tiếp theo bị trừ 10 điểm, ngưỡng cao nhất bị trừ 12 điểm.

Như vậy, so với quy định đang áp dụng, dự thảo của Bộ Công an có phần "dễ thở" hơn đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Hiện nay, chỉ cần vi phạm thì người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX; còn theo dự thảo, chỉ khi vi phạm ở ngưỡng cao nhất, người điều khiển mới bị trừ hết điểm GPLX.

'Tiếng chuông' cảnh báo tài xế

Thuyết minh về đề xuất giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất, Bộ Công an cho hay điều này nhằm phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Việc giảm nhẹ chỉ áp dụng với ngưỡng nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở, các ngưỡng cao hơn vẫn sẽ bị xử lý như hiện nay.

Đối với quy định trừ điểm thay cho tước quyền sử dụng GPLX, Bộ Công an cho hay hình thức này vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên chấp hành pháp luật đối với người điều khiển phương tiện vi phạm. Mỗi lần bị trừ điểm sẽ như là "tiếng chuông" cảnh báo, giúp lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.

Khi GPLX chưa bị trừ hết điểm, dù vi phạm nhưng lái xe vẫn có cơ hội tiếp tục được điều khiển phương tiện, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Quy định như vậy còn giúp quản lý người lái xe từ khi đào tạo, sát hạch, được cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật cũng như việc tái phạm.

Thời điểm thích hợp để hạ mức phạt

Bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo của Bộ Công an, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng đề xuất này là phù hợp ở thời điểm hiện tại, vì hai lý do.

Đề xuất hạ mức phạt với vi phạm nồng độ cồn

Việc giảm nhẹ mức phạt tiền được đề xuất chỉ áp dụng với ngưỡng nồng độ cồn thấp nhất

PHÚC BÌNH

Thứ nhất, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn và siết chặt xử lý các trường hợp vi phạm thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt, bước đầu tạo cho người dân thói quen "đã uống rượu, bia thì không lái xe", cũng là mục đích cao nhất của việc xử phạt. Với sự chuyển biến về ý thức như vậy, đã đến lúc có điều chỉnh trong chế tài theo hướng nhân văn hơn, trước tiên là với ngưỡng vi phạm thấp nhất. Việc giảm mức phạt tiền như dự thảo vừa đảm bảo sự nghiêm khắc cần thiết, nhưng cũng có sự linh động, phù hợp với thực tiễn cũng như tính chất, mức độ hành vi vi phạm.

Thứ hai, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội thông qua luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những nội dung quan trọng là quy định về điểm và trừ điểm GPLX. Do vậy, việc quy định về trừ điểm thay cho tước quyền sử dụng GPLX như trong dự thảo là nhiệm vụ cần thiết, để quy định chi tiết và thống nhất với luật.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cũng nhất trí với việc áp dụng hình thức trừ điểm thay vì tước quyền sử dụng GPLX. Điều này sẽ hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh của người điều khiển phương tiện vi phạm, nhất là các tài xế hành nghề kinh doanh vận tải.

Tuy vậy, ông Thanh cho rằng nên giữ nguyên mức phạt tiền để đảm bảo tính răn đe; bởi hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là ô tô, mà có nồng độ cồn sẽ rất nguy hiểm, gây ra nhiều hệ lụy. Cùng quan điểm, một số ý kiến băn khoăn việc đồng thời giảm mức tiền phạt và áp dụng hình thức trừ điểm thay cho tước quyền sử dụng GPLX sẽ khiến người vi phạm nồng độ cồn có tâm lý chủ quan, tình trạng "đã uống rượu, bia mà vẫn lái xe" sẽ gia tăng trở lại.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, băn khoăn trên là có căn cứ, nhưng không cần quá lo ngại. Dự thảo do Bộ Công an soạn thảo đề xuất tới 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX. Với phạm vi rộng như vậy, không chỉ nồng độ cồn mà rất nhiều lỗi vi phạm khác sẽ bị trừ điểm.

"12 là số điểm rất ít ỏi, chỉ cần mất cảnh giác thì tài xế sẽ bị trừ hết điểm. Người điều khiển phương tiện không thể ỷ lại vào việc giảm nhẹ chế tài đối với vi phạm nồng độ cồn, vì nếu tái phạm hoặc vi phạm thêm 1 - 2 lỗi khác là số điểm có thể về 0. Và cũng đừng quên, giảm mức phạt chỉ áp dụng với ngưỡng nồng độ thấp nhất, nên sẽ không xảy ra câu chuyện tràn lan rượu, bia", bà Nguyễn Thị Việt Nga nói.

28 lỗi chỉ cần vi phạm sẽ bị trừ hết điểm

Bộ Công an đang đề xuất 189 hành vi, nhóm hành vi vi phạm bị trừ điểm GPLX. Số điểm bị trừ tương ứng với tính chất, mức độ của từng hành vi. Trong đó, 28 hành vi, nhóm hành vi sẽ bị trừ 12 điểm - tức là chỉ cần vi phạm 1 lần là bị trừ "hết sạch" điểm.

Đây đều là những hành vi có tính chất cố ý vi phạm, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, gồm: vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng cao nhất, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, chở hàng vượt trọng tải trên 150%, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35 km/giờ…

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Nếu bị trừ hết điểm, người có GPLX không được điều khiển phương tiện theo loại GPLX đó, sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm thì được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do CSGT tổ chức. Kết quả đạt yêu cầu, GPLX sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...