Trường lớp tan hoang, thầy cô dốc sức dọn dẹp đón học sinh

15:42 - 13/09/2024

Hàng vạn trường học bị hư hại, hàng triệu học sinh chưa thể đến trường vì bão lũ. Các thầy cô đang dốc sức khắc phục hậu quả với tinh thần lũ rút đến đâu dọn dẹp đến đấy…

THẦY CÔ LỘI BÙN DỌN DẸP TRƯỜNG HỌC

Hai ngày qua, thầy cô Trường THPT Lê Quý Đôn (H.Trấn Yên, Yên Bái) lội bùn dọn dẹp trường lớp với mong muốn sớm đón học sinh (HS) trở lại ngày nào tốt ngày ấy. Thầy hiệu trưởng Bùi Văn Xuân cho biết trường có 3 dãy nhà, nước ngập gần hết tầng 1. Cũng may là trước cơn bão, nhà trường đã di dời phần lớn tài sản giá trị, hồ sơ, sổ sách quan trọng lên cao.

Trường lớp tan hoang, thầy cô dốc sức dọn dẹp đón học sinh

Các giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Yên Bái) dọn dẹp phòng học

ẢNH: ANH TUẤN

Dù vậy, trận lũ vừa qua cũng ngoài sức tưởng tượng và lớn hơn trận lũ lịch sử năm 2008, nên những đồ vật dù đã đưa lên cao vẫn bị nước ngập làm hư hại như máy chiếu, máy photocopy, máy in… và rất nhiều bàn ghế làm bằng gỗ công nghiệp đã bị hỏng.

Để đón HS trở lại trường vào tuần tới, nhà trường huy động toàn bộ lực lượng dọn dẹp ngay từ khi nước chưa rút hẳn (ngày 11.9). "Chúng tôi ưu tiên làm sạch trường lớp, đảm bảo an toàn và trang bị đủ sách vở cho HS lên hàng đầu. Do chưa có điện, nước cũng không, nên chúng tôi phải thuê máy bơm, máy phát điện… để bơm nước sông lên rửa trường lớp", thầy Xuân nói.

BÀN GHẾ, MÁY TÍNH, HỒ SƠ, SỔ SÁCH ĐỀU BỊ HỎNG

Trường lớp tan hoang, thầy cô dốc sức dọn dẹp đón học sinh

Trường lớp tan hoang, thầy cô dốc sức dọn dẹp đón học sinh

Trường lớp ở TP.Thái Nguyên ngập trong bùn đất sau lũ

ẢNH: THU NGUYỄN

Bàn ghế ngổn ngang, lớp bùn đất dày 3 - 5 cm, nhiều bàn ghế và thiết bị bị hỏng là hậu quả thiên tai vừa gây ra tại Trường THCS số 1 Phố Ràng, H.Bảo Yên, Lào Cai. Sau khi nước rút, nhà trường đã huy động mọi lực lượng cùng sự hỗ trợ của sinh viên Trường CĐ Sư phạm Lào Cai dọn bàn ghế, bùn đất. Trường THCS số 2 Phố Ràng bị ngập hết tầng 1 nên bàn ghế, máy tính, hồ sơ, sổ sách đều bị hỏng, nhà trường rất lo lắng không đủ điều kiện dạy và học.

Trường tiểu học Túc Duyên (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) ngập trong nước lũ 3 - 4 ngày. Ngày 11.9, nước bắt đầu rút, để lại lớp bùn non đặc quánh, mọi thứ ngổn ngang. Cô Phạm Thị Quỳnh Trang, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay hầu hết đồ dùng, thiết bị dạy và học bị hư hỏng. Nước sạch chưa có nên trường phải dùng nước mưa, nước lũ ứ đọng để vệ sinh lớp học, sân trường. Việc lau rửa thiết bị dạy và học phải chờ khi được cấp nước.

Ngay tại nội thành Hà Nội cũng có nhiều trường phải cho HS nghỉ học vì ngập lụt. Trường tiểu học Nghĩa Dũng (P.Phúc Xá, Q.Ba Đình) cho biết chiều 12.9, nước đã rút dần, nhà trường đã thông báo cho cán bộ, giáo viên (GV) cùng đơn vị vệ sinh công nghiệp làm vệ sinh. Trường lớp và vật dụng sẽ được phun khử khuẩn trước khi đón HS trở lại vào đầu tuần tới.

"CHÚNG TÔI KHÔNG ĐƠN ĐỘC"

Trường lớp tan hoang, thầy cô dốc sức dọn dẹp đón học sinh

Thầy cô Trường THCS số 1 Phố Ràng (Lào Cai) lội bùn dọn dẹp chuẩn bị đón học sinh trở lại trường

ẢNH : PHƯƠNG DỊU

Theo thầy Bùi Văn Xuân, Trường THPT Lê Quý Đôn không có HS, GV nào bị ảnh hưởng tính mạng vì bão lũ, nhưng gia đình của khoảng 800 HS, 49/56 thầy cô bị thiệt hại về tài sản. Do vậy, nhà trường còn phải quan tâm đến việc động viên thầy trò khi trở lại trường.

"Điều rất xúc động là 7 trường THPT trong cụm đã đến giúp đỡ nên chúng tôi cũng được chia sẻ, an ủi vì thấy mình không đơn độc trong những lúc khó khăn nhất", thầy Xuân nói.

Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (TP.Thái Nguyên), cũng chia sẻ tuy trường không bị ngập nhưng hàng trăm GV và HS có gia đình bị ảnh hưởng do bão lũ, nhiều gia đình thiệt hại lớn. Đáng trân trọng là dù nhà riêng đang bộn bề nhưng các thầy cô đã đến trường để khắc phục hậu quả, kịp đón HS trở lại.

Thầy Trần Văn Tuyên, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Ký Phú (H.Đại Từ, Thái Nguyên), cho biết ngày 11 - 12.9 công đoàn nhà trường đã huy động 30 cán bộ, GV xuống các trường bị ngập lụt tại TP.Thái Nguyên hỗ trợ khắc phục hậu quả.

Tại tỉnh Lào Cai, đến ngày 12.9 có 65 trường học bị thiệt hại do bão lũ. Sở GD-ĐT đã cho HS nghỉ học đến hết tuần này, đồng thời yêu cầu rà soát các trường học có nguy cơ mất an toàn có phương án khắc phục để đảm bảo cho HS đi học từ 16.9. Đối với các trường nội trú, bán trú, nếu không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ nước sạch thì thông báo tới phụ huynh và bàn giao các em về gia đình.

Là một trong những địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất, Sở GD-ĐT Yên Bái cho biết trừ 3 trường phổ thông dân tộc nội trú, tất cả trường học còn lại đều phải đóng cửa đến hết tuần này. Bên cạnh thiệt hại về vật chất tại các trường, ngành giáo dục Yên Bái có gần 700 cán bộ, GV bị thiệt hại do sạt lở đất, ngập lụt; 2 GV và 7 HS thiệt mạng.

Sở GD-ĐT Cao Bằng cũng quyết định cho HS nghỉ học hết tuần này để tập trung dọn dẹp, sửa chữa trường lớp.

Trường lớp tan hoang, thầy cô dốc sức dọn dẹp đón học sinh

Trường lớp tan hoang, thầy cô dốc sức dọn dẹp đón học sinh

Đồ đạc, sách vở tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Yên Bái) bị hư hại, ngổn ngang sau bão lũ

ẢNH: ANH TUẤN

80% TRƯỜNG HỌC Ở QUẢNG NINH BỊ ẢNH HƯỞNG

Tại Quảng Ninh, nơi tâm bão số 3 (Yagi) đi qua, Sở GD-ĐT cho biết đến ngày 12.9, có khoảng 80% trường học bị ảnh hưởng bão. Trong đó, cấp THPT có 38/60 trường bị thiệt hại với 220 phòng học, ở cấp huyện có 234/571 trường bị thiệt hại với 890 phòng học. Hầu hết các trường bị tốc mái, vỡ cửa kính, gãy đổ lan can, cây xanh…

Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã có 375/631 trường dạy học trở lại. Riêng huyện đảo Cô Tô chưa có trường nào khắc phục xong hậu quả và chưa thể đón HS.

Dự kiến ngày 16.9, 100% trường học trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh mới trở lại học tập bình thường.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Sự hỗ trợ trước hết là dành cho GV và HS

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kêu gọi toàn ngành giáo dục, HS, sinh viên, cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành hãy chung tay, góp sức bằng vật chất, tinh thần, bằng sự hỗ trợ, động viên, kết nối để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ nói chung và với ngành giáo dục nói riêng. Trong đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ con người, trước hết là dành cho GV và HS bị thiệt hại, khó khăn về điều kiện ăn ở, phương tiện đi lại...

"Bất kỳ sự hỗ trợ nào, từ cuốn vở, quyển sách hay bằng tiền mặt, đồ dùng cá nhân… vào thời điểm này đều rất đáng trân trọng. Các hoạt động hỗ trợ có thể gửi về Công đoàn Giáo dục VN hoặc trực tiếp tới địa phương, trường học, gia đình các GV, HS chịu thiệt thòi do bão lũ gây ra", Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục tuyên truyền về việc hỗ trợ, đóng góp, kể cả với các em HS. Theo Bộ trưởng, dẫu các em ủng hộ 1.000 đồng hay một chiếc bút chì cũng rất cần thiết, bởi đó là tinh thần giáo dục, tinh thần chia sẻ cần phải làm...

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không gian lạ - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...