Mới đây, Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) theo hướng giảm bớt sự "khắt khe" hơn so với quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Theo đó, việc tổ chức DTHT ngoài nhà trường gồm 3 đối tượng được phép, đó là: Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động DTHT; Giáo viên (bao gồm phó hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) đang làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập; và hiệu trưởng nhưng phải báo cáo và được sự đồng ý của trưởng phòng GD-ĐT (đối với cấp THCS), giám đốc Sở GD-ĐT (đối với cấp THPT).
Quy định này tăng thêm cơ hội cho những người giỏi chuyên môn có quyền tham gia dạy thêm, không sợ mang tiếng "hiệu trưởng mà dạy thêm". Như vậy, nhà giáo có quyền được dạy thêm ngoài nhà trường.
Thứ hai, giáo viên (GV) được phép dạy thêm đối với học sinh (HS) đang học trên lớp với mình, chỉ cần báo cáo, lập danh sách các HS đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc HS học thêm. Đây là quy định mở, không còn rào cản nào so với Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT cấm GV dạy thêm với HS đang học trên lớp với mình.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư mới chỉ quy định nhà trường không tổ chức DTHT trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng không cấm đối với việc DTHT ở ngoài nhà trường. Điều này dẫn đến tình trạng HS sau khi học buổi thứ hai, tiếp tục đi học thêm (buổi thứ ba) rất áp lực và ảnh hưởng đến sức khỏe. Quy định này có thể dẫn đến tình trạng một số trường THCS, THPT dù đủ điều kiện nhưng không muốn tổ chức dạy 2 buổi/ngày để được tổ chức DTHT trong nhà trường.
Với những quy định mới trên, một số nhà quản lý giáo dục cho rằng GV được quyền dạy thêm một cách "đàng hoàng", chỉ cần đảm bảo các nguyên tắc. Trong đó có những nguyên tắc cũng đã quy định trước đây, nhưng một số GV vẫn cố tình che giấu. Chẳng hạn, việc GV gợi ý đề kiểm tra cho HS khi học thêm, hay đối xử không công bằng giữa HS có học thêm và không học thêm.
Chênh lệch điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp
Một trong 6 nội dung mới của quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT đề xuất ngày 28.8.2024 là "tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố".
Nội dung này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, bởi tỷ lệ trung bình điểm học bạ tham gia vào trung bình điểm tốt nghiệp càng nhiều thì hiện tượng "nâng điểm", làm đẹp học bạ sẽ tăng lên để lợi thế cho HS khi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH càng nhiều. Chúng ta nhớ rằng giai đoạn 2015 - 2019, kỳ thi THPT quốc gia, điểm học bạ tham gia 50% vào trung bình điểm thi tốt nghiệp, nên hiện tượng nâng điểm ngày càng tăng lên. Cùng với đó, từ năm 2017, Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh ĐH bằng học bạ càng làm cho việc chấm điểm kiểm tra HS lớp 12 nhẹ nhàng hơn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã có 56/63 tỉnh, thành phố có trung bình điểm học bạ lớp 12 toàn tỉnh trên 7,0 điểm (chiếm 88,9%). Đặc biệt có 3 địa phương là Hải Phòng, Long An và Hà Nội có trung bình điểm học bạ toàn tỉnh, thành phố trên 8,0 điểm.
Số liệu (xem bảng) cho thấy những địa phương có chênh lệch điểm học bạ và điểm thi nhiều cũng khó khắc phục trong một sớm một chiều, vì GV đã hình thành thói quen cho điểm thoáng với HS.
Những năm trước đây, khi điểm học bạ tham gia 50% vào điểm tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đã làm gia tăng tình trạng DTHT ở cấp THPT. Có HS không chỉ học thêm với một thầy, mà hai thầy cùng một môn học (với một thầy để nâng cao kiến thức và một thầy để kiếm điểm cao). Trước tình trạng này, đến kỳ thi năm 2020, Bộ GD-ĐT giảm tỷ lệ điểm học bạ còn 30%.
Như vậy, dự thảo thông tư liên quan DTHT được quy định "thoáng hơn" cũng như tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% có thể làm tăng việc DTHT đối với HS phổ thông nói chung và HS cấp THPT nói riêng.
Giải pháp giảm tiêu cực đối với việc DTHT
Dù mục đích những chủ trương trên hướng đến những điều tốt như cấm các hành vi tiêu cực của DTHT, đánh giá HS hướng đến quá trình để khuyến khích, động viên người học nỗ lực, sáng tạo, chăm chỉ trong quá trình học tập. Tuy nhiên, HS, phụ huynh và nhà trường thường hướng đến lợi ích trước mắt. Thực tế có gần 40% HS không đăng ký xét tuyển ĐH và một tỷ lệ không nhỏ HS lớp 12 đã trúng tuyển sớm, những HS này có tâm lý không cần học nhiều, chỉ cần kiếm điểm học bạ cao và điểm thi không bị điểm liệt là được.
Để giảm những vấn đề tiêu cực trên, về phía Bộ GD-ĐT cần nâng điểm liệt lên 1,5 đến 2 điểm. Tiếp tục thực hiện đối sánh chênh lệch giữa trung bình điểm học bạ và trung bình điểm thi tốt nghiệp hằng năm giữa các địa phương. Nếu tuyển sinh sớm bằng điểm học bạ thì quy định kết hợp với điểm thi.
Các địa phương, trường học tăng cường kiểm tra, đánh giá HS nghiêm túc, công bằng, chính xác. Những địa phương càng đánh giá HS nghiêm túc thì chất lượng giáo dục càng cao, có điểm chênh lệch giữa học bạ và điểm thi thấp nhất và cũng luôn nằm trong top 10 kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ năm 2020 - 2024.
Đối với GV, cần thay đổi quan niệm để đánh giá đúng chất lượng thật của HS. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho người học. Bởi HS dù trúng tuyển ĐH nhờ điểm học bạ cao, nhưng khi vào học không đủ năng lực dẫn đến có thể không tốt nghiệp hoặc phải bỏ học giữa chừng. Mặc dù có DTHT nhưng nhà trường và GV cần khuyến khích tinh thần tự học của HS, bởi năng lực tự học và khả năng tự học suốt đời sẽ giúp HS thành công lâu dài.