ĐÓN HỌC SINH LÀNG NỦ VỀ ĂN Ở TẠI TRƯỜNG
Cô Hoàng Thị Mai Hoa, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh (H.Bảo Yên, Lào Cai), cho biết sáng 16.9, học sinh (HS) ở cả hai cấp đã quay trở lại trường, toàn trường vắng hơn 40 em so với trước ngày nghỉ học do bão lũ. "Trong số hơn 40 HS vắng mặt ấy có cả 13 em tử vong do bị lũ quét ở thôn Làng Nủ, các em vĩnh viễn không bao giờ có thể trở lại trường. Từ ngày mai chúng tôi phải tính tỷ lệ chuyên cần theo số HS mới", cô Hoa ngậm ngùi.
Cô Hoa cũng cho biết còn 7 HS ở Làng Nủ đang bị thương phải điều trị trong bệnh viện. Trận lũ quét cũng khiến 4 HS của trường trở thành trẻ mồ côi, trong đó có 2 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 1 em mồ côi mẹ và 1 em mồ côi cha.
Thôn Làng Nủ có 167 hộ gia đình, lũ quét 39 hộ. Trường tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh vốn có 130 em HS Làng Nủ, nay chỉ còn 107 em. Ngày 16.9, vượt qua đau thương, mất mát, vẫn có gần 100 HS ở nơi đây đến trường. Trường vốn có điểm lẻ dành cho HS lớp 1 và 2 đóng tại thôn Làng Nủ nhưng nay được trưng dụng để phục vụ cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, tập kết vật dụng, hàng hóa cứu trợ. Hơn nữa, theo cô Hoa, tại đây điều kiện về nước sạch, môi trường chưa đảm bảo nên nhà trường đã xin ý kiến Phòng
GD-ĐT và cho toàn bộ HS ở thôn Làng Nủ về điểm chính học tập và ăn ngủ một thời gian để các em có điều kiện sống và chăm sóc tốt hơn. Khi nào thực sự an toàn và đảm bảo thì sẽ đưa các em trở lại.
Để chuẩn bị cho việc này, nhà trường đã huy động và được cộng đồng hỗ trợ rất nhiều vật dụng, thực phẩm, gạo, chăn màn, quần áo… phục vụ việc ăn ở tại trường cho HS Làng Nủ. "Hiện các em hầu như không thiếu thốn gì", cô Hoa cho biết.
Ngày các em trở lại trường cũng là ngày tết trung thu, cô Hoa chia sẻ: "Dù tinh thần chung năm nay là không tổ chức lễ hội để tập trung cứu trợ bão lũ, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt của HS Làng Nủ tại trường nên chúng tôi vẫn tổ chức trung thu một cách giản dị, ấm cúng; không tổ chức múa lân, múa sư tử như truyền thống nhưng vẫn có những hình thức động viên tinh thần, tặng quà cho từng HS vào tối 16.9 (14 âm lịch) để giúp các em nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất mát".
ỔN ĐỊNH TÂM LÝ, KHẮC PHỤC CƠ SỞ HẠ TẦNG
Theo cô Hoa, trường cô may mắn không thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất do bão lũ nhưng lại mất đi quá nhiều HS, những em còn lại bị thương tích, mất cha mẹ… nên việc "tái thiết" về tinh thần cho thầy trò, đặc biệt là những HS có hoàn cảnh mồ côi cũng đặc biệt quan trọng. Làm thế nào để các em gượng dậy, ổn định tâm lý để học tập tiếp là vấn đề cần khắc phục lâu dài, từng ngày.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Bảo Yên Bùi Minh Tuân cho rằng, các biện pháp tái thiết trường học cần triển khai đồng bộ, bao gồm việc huy động lực lượng tại chỗ để dọn dẹp, khắc phục cơ sở hạ tầng trường lớp bị hư hỏng, đảm bảo an toàn về con người và đảm bảo an toàn hệ thống giao thông xung quanh các khu vực trường học.
Sẵn sàng nguồn cung ứng SGK
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đã chỉ đạo các nhà xuất bản sẵn sàng nguồn cung ứng SGK tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão, đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản, tổ chức và cá nhân để tài trợ SGK cho HS.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Ủy ban MTTQ VN khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho HS, góp phần đảm bảo các điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường học. Đồng thời, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở các địa phương bị thiệt hại do bão gây ra.
NHIỀU TRƯỜNG, ĐIỂM TRƯỜNG SẼ PHẢI XÂY LẠI HOÀN TOÀN
Bộ GD-ĐT cho biết, theo báo cáo ban đầu, nhiều trường bị ngập sâu, rất nhiều máy tính, thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế HS bị hư hỏng nặng, khó khắc phục, sửa chữa. Ở nhiều tỉnh, thành phố, sách giáo khoa (SGK) của HS bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, không thể sử dụng được. Theo thống kê mới nhất, riêng tỉnh Yên Bái có gần 20.000 HS bị mất, hỏng SGK, và kinh phí cần có để mua SGK ước tính trên 9 tỉ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các nhà xuất bản đã tích cực hỗ trợ HS vùng lũ: đã tặng 2.000 bộ sách; huy động tồn kho 12,5 triệu bản sách; đề xuất in bổ sung 10 triệu bản…
Ngày 16.9, Sở GD-ĐT Lào Cai phát đi thư ngỏ kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ của cộng đồng để bù đắp khó khăn, thiếu thốn cho trường học. Toàn tỉnh có 71 trường học bị ảnh hưởng với đủ mọi cấp độ. Trong đó, có khoảng 17 trường, điểm trường mà sau ngày 23.9 tới vẫn chưa thể khôi phục được để đón HS do bị phá hủy hoàn toàn.
Ông Lê Mạnh Trường, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Lào Cai, thông tin hiện nay mọi thống kê về thiệt hại của các trường mới chỉ là thông tin rất sơ bộ. Để có thể đón HS trở lại, mấy ngày qua các trường chạy đua với thời gian dọn dẹp đảm bảo vệ sinh, an toàn chứ chưa thể thống kê được hết thiệt hại, kế hoạch khắc phục thế nào ngay lúc này. Có những điểm trường mà việc khôi phục không khả thi do đã bị sạt lở, vùi lấp toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại cơ quan chức năng đang cắm biển "nguy cơ sạt lở" nên không thể cho HS đi học...
Theo ông Trường, từ ngày 17.9, khi giao thông bớt bị chia cắt, ngành giáo dục Lào Cai sẽ tiến hành khảo sát cụ thể mức độ thiệt hại của từng trường và sau đó mới có kế hoạch khắc phục, tái thiết cụ thể. Trong lúc chờ sửa chữa lớn, ngành giáo dục kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng để HS và các nhà trường có sách vở, đồ dùng học tập tối thiểu…
Tương tự, tại Yên Bái, nhiều trường bị sạt taluy, sụt lún công trình, sạt lở tường rào chưa được khắc phục, các trường đã báo cáo chính quyền, các cấp quản lý để đánh giá và có phương án xử lý.
Bà Ngô Thị Quyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), cho biết ngành giáo dục thành phố sẽ làm thống kê chi tiết về thiệt hại của từng trường cụ thể, bám sát tình hình để có phương án khắc phục hợp lý, tránh lãng phí và chồng chéo nguồn lực hỗ trợ trong quá trình chung tay tái thiết trường học.
Thiệt hại về vật chất
1. Hà Nội: 3.580 m tường rào bị đổ; 457 phòng học tốc mái, 719 nhà xe hư hỏng.
2. Bắc Giang: 3.264 m2 mái tôn bị hỏng; 331 m tường rào bị đổ; 8 cổng trường đổ sập.
3. Cao Bằng: nguy cơ sạt lở rất cao tại các trường mầm non, phổ thông H.Bảo Lộc, H.Bảo Lạc.
4. Tuyên Quang: 33 trường học bị ngập nước, sạt lở đất.
5. Bắc Kạn: 39 trường học bị ảnh hưởng nặng nề do ngập úng, sạt lở; 69 nhà của viên chức bị ngập lụt, sạt lở đất tràn vào nhà, sập tường rào.
6. Lạng Sơn: 78 trường học các cấp bị ngập úng; 118/650 trường học bị thiệt hại.
7. Quảng Ninh: tốc mái 7.630 m2 nhà trong trường học, sập trần 110 phòng, đổ tường rào 375 m, sập 6.480 m2 nhà để xe…
8. Lào Cai: 71 trường học bị ảnh hưởng do sạt lở taluy và ngập lụt.
9. Yên Bái: 27 trường bị ngập lụt, 59 trường bị sạt lở và hư hỏng công trình.
10. Hải Dương: 90% số trường học có phòng bị tốc mái tôn, tường bao sụp đổ, thiệt hại chưa thể tính toán được.
11. Hải Phòng: 1.670 phòng có thể sửa chữa, khắc phục ngay; 1.017 phòng phải sửa chữa lớn; 732 công trình phụ trợ không thể sử dụng (nhà xe, phòng y tế, khu vệ sinh); 86 phòng hỗ trợ học tập, 65 phòng bếp, nhà ăn không thể sử dụng.
(Bộ GD-ĐT tổng hợp)