Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam (Vietnam Young Logistics Talents - VNYLT) là sân chơi uy tín do Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương tổ chức. Mùa thi lần thứ 7 diễn ra trong năm 2024 đã thu hút đông đảo đội thi đến từ hơn 50 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc. Qua vòng Bán kết, trong tổng số 52 đội có 16 đội xuất sắc nhất (gồm 8 đội khu vực phía Bắc và 8 đội khu vực phía Nam) đã được lựa chọn để tranh tài tại Vòng Chung kết tổ chức tại Hà Nội, cụ thể bao gồm:
- Kyra: Học viện Ngân hàng
- STARLIGHT: Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
- 23H59: Đại học Kinh tế Quốc dân
- HyperLogs: Trường Đại học Ngoại thương
- LogiLegend: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Mũi Tên Xanh: Trường Đại học Thương mại
- EXPLORERS: Trường Đại học Phenikaa
- PADA: Trường Đại học Thăng Long
- TRAILBLAZER: Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh
- LOGISAYHI: Đại học Duy Tân
- LOGTOWIN: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh
- SUPR1SE: Trường Đại học RMIT Việt Nam
- LogiStar: Trường Đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh (HUTECH)
- D_Log: Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại
- ECO: Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ
- MANIFEST: Trường Đại học Hoa Sen/
4 phần thi kịch tính ở vòng Chung kết đã ghi dấu ấn của từng đội thi:
- Phần thi Chinh phục: Tất cả 16 đội trình bày đề tài nghiên cứu, tiếp tục phát triển từ vòng Bán kết hoặc lựa chọn một chủ đề mới, nhằm đề xuất giải pháp cho các vấn đề thực tiễn trong ngành Logistics. Sau phần thi này, 6 đội có phần trình bày và phản biện xuất sắc nhất được chọn vào vòng tiếp theo.
- Phần thi Khát vọng: 6 đội chia thành 2 bảng cùng giải các ô chữ bằng tiếng Anh xoay quanh lĩnh vực Logistics.
- Phần thi Thử thách: Các đội nhận đề bài thực tế từ doanh nghiệp, được chia thành 3 bảng để thảo luận và trình bày giải pháp trong 16 phút.
- Phần thi Tỏa sáng: Top 3 đội xuất sắc nhất bước vào vòng đấu quyết định, cùng trả lời câu hỏi chung từ Ban Giám khảo.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời vượt chướng ngại vật hàng dọc ngay tại những câu hỏi đầu tiên cùng khả năng phản biện sắc sảo và trình bày đầy thuyết phục, đội Logisayhi gồm 4 sinh viên:
- Đỗ Minh Khả,
- Trần Minh Trung,
- Nguyễn Quốc Việt, và
- Huỳnh Thị Trúc
đến từ Khoa Quản lý Nam Khuê (SMi), ĐH Duy Tân đã vượt qua nhiều đội tuyển đến từ các trường đại học "kỳ cựu" trong lĩnh vực Logistics để trở thành Á quân của cuộc thi.
Xuất phát từ nhu cầu cấp bách trong việc xử lý vấn đề rác thải điện tử - một thách thức lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, đội Logisayhi đã xây dựng mô hình "Chuỗi cung ứng và Giải pháp thu gom Rác thải Điện tử thông qua nền tảng HiE tại Tp. Đà Nẵng". Đây là một giải pháp thiết thực nhằm không chỉ góp phần giải quyết các vấn đề môi trường mà còn hiện thực hóa các cam kết của COP29, hướng tới mục tiêu tài chính khí hậu bền vững.
Mô hình giải pháp của đội Logisayhi gồm 2 thành phần chính:
- Chuỗi Cung ứng thu gom rác thải điện tử (E-wasteC), và
- Dự án Thu gom Rác thải Điện tử thông qua nền tảng công nghệ HiE tại Đà Nẵng.
Đây là mô hình mà thông qua nền tảng công nghệ có thể thực hiện một cách thuần thục các công đoạn như: đặt lịch, theo dõi, thu gom qua bản đồ, định giá minh bạch, hoàn tiền và đổi thưởng. Mô hình này thực hiện việc tối ưu hóa quy trình thu gom rác thải điện tử, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của tái chế và bảo vệ môi trường có sự kết nối chặt chẽ các bên liên quan từ người dùng, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, với vị thế là thành phố đi đầu trong các sáng kiến xanh và thông minh, Đà Nẵng tạo môi trường lý tưởng để triển khai mô hình này, hướng tới một nền kinh tế bền vững, góp phần xây dựng một tương lai xanh hơn cho Việt Nam.
Đại diện đội Logisayhi, sinh viên Đỗ Minh Khả chia sẻ: "Tham gia cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2024, chúng em đã vận dụng một cách hiệu quả các kiến thức chuyên môn như Quản trị Chuỗi cung ứng, Quản trị Tài chính và kỹ năng phân tích dữ liệu để hoàn thiện một mô hình giải pháp có ích cho cộng đồng. Cuộc thi đã giúp chúng em mở rộng hiểu biết về lĩnh vực Logistics bền vững, gặp gỡ các đội thi xuất sắc và nhận được những nhận xét quý báu từ Ban Giám khảo. Giải Á quân không chỉ là sự công nhận mà còn là nguồn động lực lớn để chúng em tiếp tục phát triển bản thân và triển khai ý tưởng thiết thực của mình vào thực tiễn. Chúng em thực sự cám ơn các giảng viên Khoa Quản lý Nam Khuê, đặc biệt là ThS. Nguyễn Cao Thục Uyên và cô Huỳnh Thị Ngọc Hiền đã tận tâm hỗ trợ trong suốt quá trình thi để chúng em vượt qua các thách thức, hoàn thiện dự án và giành giải cao tại một cuộc thi lớn."
ThS Nguyễn Cao Thục Uyên - Trưởng đoàn ĐH Duy Tân đưa sinh viên tham gia cuộc thi cho biết: "Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2024 là một sân chơi mang tính học thuật cao, đòi hỏi các đội thi không chỉ có kiến thức chuyên sâu về Logistics và Quản lý Chuỗi Cung ứng mà còn cần có khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, tư duy phản biện và sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Việc tạo ra giải pháp để khuyến khích xử lý rác thải điện tử đúng cách, thúc đẩy tái chế và tái sử dụng của sinh viên DTU có đóng góp rất lớn cho cộng đồng, cũng thể hiện rõ nét năng lực, tầm nhìn của các em trong việc kết hợp công nghệ để bảo vệ môi trường. Dự án của các em phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có việc ứng dụng nền tảng công nghệ như một giải pháp thực tiễn đáp ứng các cam kết đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên Hợp Quốc (COP29)".
Đỗ Minh Khả (đội trưởng): Nổi bật với khả năng logic, tư duy về con số nhạy bén và phân tích vấn đề nhanh chóng, Minh Khả được phân công nhiệm vụ viết báo cáo tài chính cho dự án đồng thời xây dựng các quy trình thu gom và xử lý rác thải điện tử của nhóm. Hiện tại, Minh Khả đang tham gia các công tác tư vấn đầu tư và đây là công việc mà cậu rất yêu thích. |
|
Trần Minh Trung: Là người đã tạo ra nền tảng ứng dụng công nghệ HiE nhằm giúp giải quyết vấn đề rác thải điện tử tại Tp. Đà Nẵng - một nhân tố khá quan trọng đóng góp vào sự thành công của mô hình thu gom và xử lý rác thải của đội. Minh Trung cũng đảm nhận nhiệm vụ xây dựng mô hình HiE-hub, đặt trọng tâm ở vai trò của giải pháp công nghệ thực tiễn trong việc đáp ứng các cam kết của COP29 nhằm đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu. |
|
Nguyễn Quốc Việt: Sở hữu khả năng quan sát tốt, nhạy bén cùng với kỹ năng tiếng Anh khá ấn tượng, Quốc Việt đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ lên kế hoạch chi tiết cho bộ phận nhân sự của dự án, viết kịch bản tiếng Anh cho các clip tham dự vòng thi phụ, đồng thời thu thập và tìm hiểu các kiến thức chuyên môn về dự án nói riêng và kiến thức chuyên môn về ngành học nói chung cho cả nhóm. Trong tương lai, Việt mong muốn được làm việc cho một tập đoàn lớn chuyên về logistics hoặc tại các cảng mậu dịch. |
|
Huỳnh Thị Trúc: Là cô gái duy nhất của team, Trúc luôn lắng nghe và đưa ra các giải pháp phù hợp để dung hòa ý kiến cho cả ba chàng trai còn lại. Với sự điềm tĩnh, cẩn thận và chỉn chu, Trúc đã hoàn thiện khá tốt việc phân tích quy trình hành vi tiêu dùng của người dân Đà Nẵng đối với vấn đề rác thải điện tử và lên kế hoạch chi tiết cho các tuyến đường thu gom rác thải. Ước mơ của Trúc là trở thành một chuyên viên logistics giỏi, có thể góp phần làm cho chuỗi cung ứng của tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. |
|