Đề thi tốt nghiệp vận dụng thực tiễn: Học sinh ôn tập ra sao?

07:57 - 12/03/2024

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ là kỳ thi cuối cùng của chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Theo Bộ GD-ĐT, đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn.

Trả lời PV Báo Thanh Niên ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào cuối tuần qua, GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho hay đề thi về cơ bản vẫn giữ ổn định cấu trúc định dạng đề thi như năm 2023. Tuy nhiên, dự kiến có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học, và tăng dần độ phân hóa để kỳ thi đạt được các mục tiêu đề ra.
Đề thi tốt nghiệp vận dụng thực tiễn: Học sinh ôn tập ra sao?

Học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6,TP.HCM) có kế hoạch ôn thi tốt nghiệp theo từng giai đoạn

BÍCH THANH

Với định hướng về đề thi như trên, giáo viên (GV) các môn học đã có sự chuẩn bị ngay kế hoạch ôn tập kiến thức, kỹ năng cho học sinh (HS) cuối cấp.

BÁM SÁT SGK, CẬP NHẬT KIẾN THỨC THỰC TIỄN

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho biết HS lớp 12 sẽ ôn lý thuyết cơ bản trên cơ sở bám sát kiến thức sách giáo khoa (SGK) và nội dung chương trình hiện hành. Các câu hỏi đánh giá năng lực là những câu hỏi có thể mới, lạ nhưng chủ yếu vẫn gắn với việc nhận thức thế giới tự nhiên dưới góc độ kiến thức môn học và giải thích tính ứng dụng, thực tiễn đời sống. Những câu hỏi này các em không phải mất quá nhiều thời gian để ôn luyện, "đoán" hay "tủ" mà chỉ cần thường xuyên cập nhật những thông tin khoa học ứng dụng, kiến thức thực tiễn liên quan từng bài học trong chủ đề các em đã học, vận dụng năng lực tư duy đọc hiểu và liên hệ, vận dụng sáng tạo sẽ giải quyết được.

Thời điểm này, các GV sẽ chủ yếu tổng hợp kiến thức nền tảng cho HS và giúp các em rà soát những kiến thức còn thiếu sót để kịp thời bổ sung và rèn luyện. "Hơn ai hết chính HS sẽ chủ động cập nhật kiến thức để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi. Các em có thể tải các đề thi mẫu, đề minh họa các năm trước để cọ xát đề thi và qua đó cập nhật thêm những kiến thức giải bài tập và kinh nghiệm thực chiến đề thi sẽ tăng kỹ năng khi làm đề thi thật", GV Phạm Lê Thanh hướng dẫn.

Riêng ở môn hóa học, thạc sĩ Phạm Lê Thanh lưu ý trong quá trình giải các đề thi thử, các em nên lưu ý rằng các bài tập hóa học thuộc mức độ vận dụng cao sẽ rất đa dạng và phong phú nên thường không theo mô típ nào. Vì vậy, các em cũng không nên lo lắng khi giải chưa được những câu này. Các em cần nắm chắc các công cụ giải toán như bảo toàn electron, bảo toàn nguyên tố, phương pháp quy đổi cộng thêm phần tư duy nhạy bén sẽ có thể đưa các bài toán "mới" này quay về bài toán "cũ" và giải quyết dễ dàng.

Đề thi tốt nghiệp vận dụng thực tiễn: Học sinh ôn tập ra sao?

Học sinh lớp 12 năm nay là lứa cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2006

ĐÀO NGỌC THẠCH

KẾT HỢP KHÉO LÉO GIỮA LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN

Thạc sĩ Lê Văn Nam, GV Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay kế hoạch ôn tập của HS phải là sự kết hợp khéo léo giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa sự đa dạng và nhất quán.

Theo thạc sĩ Nam, SGK là một kim chỉ nam định hướng quan trọng trong quá trình ôn tập kiến thức. Tuy nhiên, sự hạn chế của SGK chính là sự cố định, thiếu linh hoạt trong cách tiếp cận kiến thức. Để khắc phục điều này, việc lồng ghép các bài toán thực tiễn, từ cuộc sống hằng ngày, là cách thức hiệu quả để HS có thể vừa nắm vững kiến thức vừa có những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Việc rèn luyện qua các đề thi thử từ các trường, các địa phương không chỉ giúp HS làm quen với định dạng đề thi mà còn là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng làm bài và kiểm soát thời gian. Tuy nhiên, việc sàng lọc đề thi cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Thực tế giảng dạy cho thấy nhiều HS có thể giải những bài tập khó, kiến thức thực tế, tư duy nhưng khi làm những câu trắc nghiệm mà kiến thức trong SGK thì các em chọn đáp án sai, nên cần giúp HS cân đối giữa kiến thức trong SGK và kiến thức mở rộng.

Cũng theo GV Lê Văn Nam, trong hành trình ôn thi, việc hỗ trợ HS xây dựng mục tiêu điểm số và nhận biết năng khiếu môn học là quan trọng để HS tự phân bổ thời gian học tập hiệu quả, phù hợp với năng lực cá nhân.

Đề thi tốt nghiệp vận dụng thực tiễn: Học sinh ôn tập ra sao?

Học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin tại chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên

ĐÀO NGỌC THẠCH

VỪA PHỤ ĐẠO VỪA NÂNG CAO

HS lớp 12 năm nay còn là những HS bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn, TP.HCM), cho hay: "Các em là lứa cuối cùng của chương trình cũ đồng thời chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, xét tuyển đầu vào và học trực tuyến gần hết năm học lớp 10 nên học lực có phần không bằng các năm trước. Do đó, nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp, đồng hành đầu tư thời gian, công sức để giúp các con chuẩn bị tốt nhất".

Ngay đầu học kỳ 2, từ kết quả của học kỳ 1, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu đã chọn ra những HS có học lực chưa tốt và tổ chức lớp phụ đạo bắt buộc. Mặt khác, trường cũng mở các lớp học chuyên đề, nâng cao và cho phép HS tự nguyện đăng ký nếu có nhu cầu.

Thành viên ban giám hiệu một trường THPT tại Q.8 (TP.HCM) cho biết ngoài việc giảng dạy trên lớp, trường còn tận dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), xây dựng ngân hàng câu hỏi để ôn luyện kiến thức cho HS. Dự kiến tháng 5, trường sẽ bắt đầu các tiết ôn thi buổi sáng tại trường, buổi chiều là thời gian để HS tự học.

Còn với Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), ngay từ đầu năm học đã cho HS lựa chọn định hướng môn thi, xếp lớp và học xuyên suốt đến nay theo định hướng này. Ông Phùng Nhật Anh, Hiệu phó nhà trường, cho hay trong quá trình dạy học, GV luôn chủ động tạo các đề thi thử cho HS làm trong lớp. Sau khi thi học kỳ 2, GV và HS sẽ có 6 tuần tăng tốc ôn luyện kiến thức và luyện giải đề.

Ông Nhật Anh nói thêm: "Nhà trường xây dựng kế hoạch chi tiết, phù hợp cho từng giai đoạn. Đến giai đoạn ôn tập, các tổ bộ môn phải nộp kế hoạch giảng dạy theo tuần cho ban giám hiệu duyệt và các thầy cô phải thực hiện đúng theo để đảm bảo việc học tập của HS".

Còn ông Trần Quang Vũ, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6, TP.HCM), thông tin nhà trường có phương án đề kiểm tra cuối kỳ xây dựng ma trận theo cấu trúc bám sát đề thi minh họa của Bộ, qua đó giúp HS làm quen các dạng đề, cách thức, kỹ năng làm bài. Trường dự kiến tổ chức thi thử vào cuối tháng 5 để nắm được những HS chưa đáp ứng yêu cầu kiến thức cần đạt để tổ chức phụ đạo, củng cố kiến thức.

3 giai đoạn ôn tập

 

Ông Trần Quang Vũ, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6, TP.HCM), khuyên HS cần xây dựng lộ trình học tập thành 3 giai đoạn:

Đầu tiên là xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc trong suốt quá trình học tập bằng cách làm bài tập để hiểu căn bản lý thuyết, đảm bảo giải quyết được các câu hỏi ở mức độ trung bình trở lên.

Thứ hai là rèn luyện phương pháp và kỹ năng làm bài bằng cách luyện đề thi trong quá trình tự học. Sử dụng thời gian và quy định của kỳ thi để quen dần áp lực, đồng thời đánh giá khả năng của bản thân và rút kinh nghiệm từ những lỗi sai trong quá trình giải đề.

Cuối cùng là giai đoạn nước rút, kéo dài từ khi kết thúc chương trình học cho đến trước kỳ thi vài ngày. HS nên ôn lại toàn bộ kiến thức, học các thủ thuật giải bài thi để tối ưu điểm số.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Không gian lạ - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...