Chọn ngành học xu hướng mới hay truyền thống?

08:41 - 29/02/2024

Năm 2024, các trường ĐH tiếp tục mở thêm nhiều ngành học mới. Hiện có nhiều xu hướng ngành học ở các trường: ngành mới, ngành truyền thống, ngành độc lập, ngành liên ngành… Trong bối cảnh đa dạng ngành nghề như hiện nay, thí sinh nên theo xu hướng nào?

Lời khuyên được đại diện các trường ĐH chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật", diễn ra chiều qua (27.2).

Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

LƯU Ý HAI GIAI ĐOẠN XÉT TUYỂN VÀO ĐH

Trong buổi đầu tiên của chuỗi chương trình trực tuyến năm 2024, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, đã lưu ý thí sinh (TS) về hai giai đoạn xét tuyển của năm nay.

Theo tiến sĩ Hải, năm nay là năm tuyển sinh đặc biệt trước khi bắt đầu có lứa học sinh tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông mới vào năm 2025. Không chỉ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà công tác tuyển sinh ĐH vẫn sẽ ổn định như năm 2023. Cụ thể, quy chế xét tuyển vào ĐH năm 2023 sẽ áp dụng cho năm 2024 và dự kiến chỉ có những điều chỉnh kỹ thuật về cách thức xét tuyển để thuận lợi hơn cho TS.

chon-nganh-hoc-xu-huong-moi-hay-truyen-thong

Các chuyên gia lưu ý thí sinh những điểm mới về tuyển sinh ĐH và xu hướng ngành học

Với tinh thần đó, tiến sĩ Hải cho rằng TS tham gia xét tuyển năm nay cần lưu ý một số điểm mới đã thực hiện trong năm 2023. Quan trọng nhất là quá trình xét tuyển sẽ chia thành hai giai đoạn: giai đoạn xét tuyển sớm và giai đoạn đăng ký chính thức trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Trong đó, giai đoạn xét tuyển sớm áp dụng cho các phương thức tuyển sinh khác ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT, như: xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển… Các phương thức xét tuyển sớm, TS được trường ĐH thông báo đủ điều kiện "trúng tuyển có điều kiện" (phải tốt nghiệp THPT).

"Nhưng để từ trúng tuyển có điều kiện thành trúng tuyển chính thức, TS cần tốt nghiệp THPT và hoàn thiện các bước trong giai đoạn 2 của quy trình xét tuyển trên hệ thống của Bộ. TS thực hiện 3 bước theo hình thức trực tuyến: đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học. Chỉ cần không thực hiện một trong 3 bước trên sẽ đồng nghĩa với việc không thực sự trúng tuyển dù trước đó đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm", tiến sĩ Hải phân tích.

Cũng theo Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, một điểm TS cần đặc biệt lưu ý liên quan đến phần mềm xét tuyển. Tiến sĩ Hải phân tích: "Năm ngoái, Bộ GD-ĐT đưa ra một giải pháp kỹ thuật rất thuận lợi cho TS trong xét tuyển là không cần đăng ký mã phương thức và mã tổ hợp xét tuyển; chỉ đăng ký ngành, trường và nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nhưng có một tình huống xảy ra với những ngành có điểm sàn, đặc biệt khối ngành khoa học sức khỏe. Dù xét bằng học bạ, TS vẫn cần đảm bảo ngưỡng đầu vào theo quy định về học lực lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT. Nhưng có những TS không chú ý đến điểm này khi xác nhận đủ điều kiện trúng tuyển sớm để cập nhật lên hệ thống phần mềm dẫn đến tình trạng trúng tuyển không đúng nguyện vọng mong muốn".

NÊN CHỌN PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN NÀO ?

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết năm nay các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhưng tựu trung có hai nhóm: xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét bằng các phương thức khác. Trong đó, phương thức xét tuyển sớm mỗi trường có cách thức khác nhau. Ví dụ cùng xét học bạ nhưng có trường sử dụng độc lập kết quả kỳ thi này, trong khi có trường kết hợp với nhiều tiêu chí đánh giá khác.

PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trường có 5 phương thức tuyển sinh trong đó có một phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính. Năm 2024, trường mở rộng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi này cho các chương trình và các ngành của trường.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết năm nay TS có nhiều cơ hội lựa chọn trong xét tuyển. "Cánh cửa mở ra cho TS là rất lớn, tuy nhiên TS cần lựa chọn được phương thức ưu thế nhất dựa trên lựa chọn ngành học phù hợp nhất với bản thân đã được xác lập trước đó", thạc sĩ Phụng khuyên.

Trước sự đa dạng của các trường về phương thức tuyển sinh, thạc sĩ Phụng lưu ý TS cần xem kỹ thông tin từng trường. Ví dụ, việc ưu tiên TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mỗi trường có cách làm khác nhau. Như Trường ĐH Tài chính - Marketing, dù ưu tiên TS có chứng chỉ này nhưng không chấp nhận quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sang môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, TS muốn xét tuyển bằng tổ hợp có chứa môn tiếng Anh cần dự thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để có kết quả xét tuyển.

Chọn ngành học xu hướng mới hay truyền thống?

Thiết kế vi mạch là một trong những ngành mới nhiều trường năm nay tuyển sinh. Các chuyên viên làm việc ở phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN NGÀNH HỌC

Các học sinh đã gửi đến chương trình nhiều băn khoăn trong việc lựa chọn ngành nghề được đặt ra. Một bạn đọc viết: "Bên cạnh các ngành học truyền thống, hiện các trường ĐH đang mở nhiều ngành mới theo hướng liên ngành. Nhóm ngành nào có cơ hội việc làm tốt hơn thời gian tới?".

Giải đáp băn khoăn này, thạc sĩ Phạm Quang Trường, Phó khoa Kinh doanh và luật Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng những ngành mang tính truyền thống thì thị trường lao động đang có sẵn, dễ kiếm việc làm. Với ngành mới, phân khúc thị trường hẹp hơn. Nhưng ngược lại, ngành mang tính truyền thống nên cơ hội việc làm bị cạnh tranh nhiều hơn. Nhóm ngành nào cũng có tác động hai mặt. Vấn đề còn lại là phụ thuộc vào chính người học với sự chuẩn bị tốt cho tương lai.

Từ góc độ đào tạo, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết hiện có nhiều xu hướng ngành học ở các trường: ngành mới, ngành truyền thống, ngành độc lập, ngành liên ngành… Với TS, thạc sĩ Phương cho rằng vấn đề là sự lựa chọn dựa trên đam mê và sở trường của bản thân. "Nếu học một ngành mà bạn nghĩ ngành truyền thống gây sự buồn chán hoặc chọn một ngành mới vì nghe tên gọi rất hoành tráng mà quên đi yếu tố bên trong thì sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Quan trọng nhất là sự cân nhắc sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành học đó. Bạn có thể đọc chương trình đào tạo của một ngành, nếu đọc xong cảm thấy đam mê, hứng thú thì bạn có thể bắt đầu sự lựa chọn của mình từ đây", thạc sĩ Ngọc Phương đưa ra lời khuyên.

"Với các ngành mới, không phải tự dưng các trường mở ngành đào tạo mà căn cứ vào năng lực đào tạo, trên nhu cầu thực tiễn của xã hội, thị trường lao động… Mỗi năm trường đều có sự rà soát, đối sánh để điều chỉnh và quyết định mở những ngành phù hợp".

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Chọn ngành học xu hướng mới hay truyền thống?

 

Có việc làm và có việc làm tốt là hai việc khác nhau và tùy thuộc vào năng lực bản thân ứng viên. Muốn có việc làm tốt, điều quan trọng đầu tiên cần phải chọn được ngành học thực sự phù hợp cộng với việc không ngừng nỗ lực rèn luyện của bản thân.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương (Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)

Chọn ngành học xu hướng mới hay truyền thống?

 

Ngành kinh tế có hai mảng: thuần kinh tế và mảng kinh doanh. Trong đó, kinh tế gồm hoạt động kinh tế đầu tư, tài chính công, thẩm định giá… phục vụ nhiều cho các tổ chức phi chính phủ, các hoạt động nhà nước, nhu cầu việc làm lớn. Khối ngành kinh doanh có độ phủ lớn, nhu cầu lao động chiếm tới 33% trong tổng số 2,5 triệu lao động giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn TP.HCM.

PGS-TS Phạm Hà (Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM)

Chọn ngành học xu hướng mới hay truyền thống?

 

Ngành nào cũng có việc làm nhưng ngành nào cũng có nguy cơ thất nghiệp. Nếu bạn có sự chuẩn bị tốt từ đầu thì đến năm thứ 4 chắc chắn sẽ có việc làm. Nhưng đến năm thứ 4 mới bắt đầu nghĩ đến điều đó thì sẽ quá muộn.

Thạc sĩ Phạm Quang Trường (Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn)

Chọn ngành học xu hướng mới hay truyền thống?

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Không gian lạ - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...