Làng Việt Nam: Sơn Mỹ, tôi đã tới và đã viết trường ca

08:21 - 03/10/2024

Ngày tôi mới về Trại sáng tác văn học Quân khu 5, vừa kịp thả ba lô thì nhà văn Nguyễn Chí Trung - Trại trưởng - đã phát lệnh cử tôi về Sơn Mỹ.

Đi thực tế sáng tác ở Sơn Mỹ. Và đi một mình, không hề có đoàn đội gì hỗ trợ cả. Đó là vào tháng 3.1976. Mới ra khỏi chiến tranh, nên chuyện đi công tác một mình với tôi là chuyện bình thường. Đi theo kiểu "ba cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân lại càng là "chuyện thường ngày" với chúng tôi, những anh lính ở chiến trường.

Tôi về thị xã Quảng Ngãi, ra bến xe ngựa hồi ấy ở ngay cây xăng đường Quang Trung bây giờ, một ba lô và một ruột nghé gạo, tôi lên xe ngựa. Quãng đường 12 cây số, xe ngựa đủng đỉnh chạy mất 2 giờ. May quá, Ủy ban xã Sơn Mỹ nằm ngay ven đường. Tôi gặp anh Tâm, Bí thư xã, trình giấy tờ và thư tay của anh Thủy - Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh - giới thiệu tôi về Sơn Mỹ đi thực tế và viết. Viết cái gì thì cũng chưa biết, nhưng chắc chắn là viết về Sơn Mỹ.

Làng Việt Nam: Sơn Mỹ, tôi đã tới và đã viết trường ca

Loạt ảnh của Ronald về vụ thảm sát Sơn Mỹ được treo tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi)

ẢNH: TRẦN ĐĂNG

Ngay từ cuối năm 1969, khi mới về buổi phát thanh binh vận Đài tiếng nói Việt Nam, tôi đã có một trong những bài viết đầu tiên trong nghề báo của mình. Đó là bài viết về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Khi đó vụ thảm sát đã xảy ra gần 2 năm, nhưng vẫn là đề tài khá thường xuyên trên Đài tiếng nói Việt Nam. Nhất là khi những nhân chứng của vụ thảm sát như cô Võ Thị Liên đã ra tới Hà Nội và đi tố cáo vụ thảm sát trước nhiều nước trên thế giới.

Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã tổ chức một buổi nói chuyện của cô Liên với tất cả phóng viên, biên tập viên của đài. Tôi đã có một trong những bài báo đầu tiên trong nghề làm báo của mình từ sau cuộc nói chuyện của nhân chứng Võ Thị Liên.

Một bài báo thì thời hạn tồn tại của nó là rất ngắn ngủi. Rồi tôi lại đi chiến trường Nam bộ, nên mãi 6 năm sau, vụ thảm sát Sơn Mỹ mới lần thứ hai trở về trong dự định viết của tôi. Lần này chắc không phải một bài báo. Nhưng nó là cái gì thì tôi cũng chưa nghĩ ra, chưa hình dung được. Tôi cứ về Sơn Mỹ, ăn ở với bà con, rồi tính.

Làng Việt Nam: Sơn Mỹ, tôi đã tới và đã viết trường ca

Ngôi nhà người dân ở làng Sơn Mỹ bị đốt chỉ còn nền được phục dựng lại ở Khu chiến tích Sơn Mỹ

ẢNH HẢI PHONG

Tôi được giới thiệu về ở nhà một người nông dân tên là Bốn. Không biết đó là tên hay là "thứ" của chủ nhà, như tôi đã quen hồi ở Nam bộ. Nhà anh Bốn thật nghèo. Nhưng hồi ấy ở Sơn Mỹ nào có nhà ai khá giả đâu! Bà con bám trụ đã xác xơ, bà con ở khu dồn về càng rách nát. Tất cả bắt đầu làm lại ngay trên mảnh đất mà dấu tích của vụ thảm sát còn in rất đậm.

Việc đầu tiên của tôi ở nhà anh Bốn là dốc ruột nghé gạo, trút hết phần gạo góp ăn chung với chủ nhà cho chị Bốn. Cũng chả được bao nhiêu, nhưng đó là tiêu chuẩn của tôi. Và gia đình anh Bốn cũng chẳng có cơm gạo đâu mà nuôi không tôi. Chuyện ấy trong chiến tranh là rất bình thường. Nhưng lúc mới hòa bình, tình quân dân vẫn là như vậy, cụ thể và rành mạch. Sau đó, tôi vác cuốc cùng anh Bốn ra vườn cuốc đất trồng khoai lang.

Làng Việt Nam: Sơn Mỹ, tôi đã tới và đã viết trường ca

Dòng người đến Khu chứng tích Sơn Mỹ tưởng niệm 504 nạn nhân bị sát hại (ảnh chụp ngày 16.3.2018)

ẢNH: HIỂN CỪ

"Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày..." (nhạc Phạm Duy). Mẹ già còn phải cuốc bấu như vậy, huống mình đang còn trẻ khỏe, chẳng lẽ lại ngồi không mà... sáng tác. Tôi bắt đầu tại Sơn Mỹ không phải bằng lời chữ bằng những câu thơ, mà bằng những nhát cuốc bổ vào đất.

Tôi nghĩ cái bắt đầu này là rất tốt cho một nhà thơ. Lao động, nhất là lao động chân tay, bao giờ cũng là sự khởi đầu cho mọi sáng tạo. "Thoạt kỳ thủy là lời" (Thánh kinh). Đúng rồi! Nhưng sau này Goethe nói: "Thoạt kỳ thủy là hành động". Cũng đúng luôn. Với tôi, có lẽ thoạt kỳ thủy là... cuốc.

Nhưng hôm sau, tôi ra bãi biển Sơn Mỹ từ rất sớm, và bắt đầu một ngày mới ở vùng đất vừa ruộng vừa biển này bằng hành động... kéo. Kéo lưới. Thấy bà con xếp hàng một trên bãi cát kéo lưới từ biển gần bờ, tôi tự động "vào hàng" và cùng kéo lưới với bà con.

Động tác kéo lưới này khá đơn giản nên không cần phải học lâu. Kéo một lúc thì giàng lưới trườn lên cát. Chẳng thấy "Cá song lấp lánh đuốc đen hồng/ Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe" (thơ Huy Cận) đâu cả, vì kéo lưới ngay sát mép nước thế này, lấy đâu ra cá to!

Làng Việt Nam: Sơn Mỹ, tôi đã tới và đã viết trường ca

Nhiều đoàn khách quốc tế thắp hương tưởng niệm nạn nhân Sơn Mỹ (ảnh chụp ngày 16.3.2018)

ẢNH: HIỂN CỪ

Bà con xúm lại xúc những con cá từ giàng lưới. Họ cẩn thận chia phần cho tất cả những người tham gia lao động. Tôi cũng được một phần. Sự sòng phẳng của những người dân biển khiến tôi cảm động. Nhưng nghĩ mình "công ít", nhận phần ngang với bà con là không phải lẽ, nên tôi xin phép từ chối, nhưng bà con không chịu. Cuối cùng, tôi đề nghị là... luộc phần cá của tôi lên, mời mọi người... uống rượu.

Rất nhiều bà con tán thành giải pháp này. Họ cử người đi mua lít rượu, người nổi lửa ngay trên cát, lấy lá dừa khô làm củi. Họ thêm phần cá của mình vào nồi cho "dễ coi". Một xoong cá bắt mắt được luộc lên. Và tất cả chúng tôi cùng hỉ hả nâng ly. Ngay trên bãi cát. Với tôi, sự hào sảng của người dân lao động Sơn Mỹ đã là một gợi ý đáng giá. Nhưng chưa đủ.

Mấy sáng sau, tôi lại một mình lang thang trên bãi cát mọc đầy những bụi xương rồng (ở đây gọi là "lưỡi long") nở bừng những chấm hoa đỏ. Và ở đó, tôi thấy... Những đứa trẻ chân trần, thân trần chạy ùa trên cát như những làn gió nhỏ. "Cho tôi nhập vào chân trời các em/ Chân trời ngay trên cát".

Làng Việt Nam: Sơn Mỹ, tôi đã tới và đã viết trường ca

Nhà thơ Thanh Thảo trao học bổng cho học sinh Trường THPT Sơn Mỹ (Quảng Ngãi)

ẢNH: PHẠM ANH

Tôi đã có hai câu thơ mở đầu cho tác phẩm, lúc bấy giờ vẫn chưa biết gọi là thể loại gì. "Các em" và "chân trời" là hai điểm nhấn. Nhưng "chân trời ngay trên cát" mới là chìa khóa. Tôi đã tìm được "chìa khóa" cho tác phẩm tương lai của mình.

Phải hai năm sau, tôi mới hoàn thành trường ca "Trẻ con ở Sơn Mỹ". Nhưng hai năm trước, tôi đã gặp các em bé Sơn Mỹ. Và đã gặp một chân trời nho nhỏ của mình, một "chân trời ngay trên cát". Thơ phải bay. Nhưng thơ phải biết cất cánh từ đâu. Tôi đã cùng nhân dân ăn những con cá bé ngay trên cát. Ngay ở đó, tôi đã gặp chân trời.

Mãi 22 năm sau, vào tháng 3 năm 1998, kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, khi về dự, tôi đã gặp hai ông cựu phi công Hugh Thompson và Lawrence Colburn, hai ân nhân đã cứu sống nhiều người dân Sơn Mỹ thoát khỏi cái chết vì bị thảm sát.

Từ câu chuyện của hai ông cựu phi công, tôi mới biết cái tên Làng Hồng (Pinkville) là tên quân đội Mỹ đặt cho làng quê Sơn Mỹ. Tên này ý nói Sơn Mỹ là "làng đỏ". Sơn Mỹ, Làng Hồng, đó là ngôi làng bị thảm sát, nhưng là ngôi làng đã hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...