Theo đó, tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 227 cầu nông thôn như cầu treo, cầu dân sinh. Trong đó, 95 cây cầu chưa đảm bảo kết cấu bê tông cốt thép và 29 cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng.
Địa phương có nhiều cầu treo hư hỏng nhất là H.Đăk Glei và H.Đăk Tô. Cụ thể, tại H.Đăk Glei có 76 cầu treo thì có đến 16 cầu trong tình trạng xuống cấp; còn tại H.Đăk Tô có 17 cầu treo thì có 5 cây cầu không đảm bảo an toàn.
Với địa hình đồi núi dốc, có nhiều sông suối, cầu treo, cầu tạm vừa là con đường đi lại qua sông, suối vừa là tuyến đường vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân đi tiêu thụ.
Tại một số nơi, để phục vụ việc đi lại sản xuất, người dân dựng tạm cầu bắc ngang sông, suối. Với nguồn vốn eo hẹp, các cây cầu treo của người dân chủ yếu được làm từ tre, gỗ kết nối bằng sợi dây thép.
PV Thanh Niên đã đến một số địa phương để ghi nhận tình trạng cầu treo xuống cấp. Tại xã Ngọc Tụ, H.Đăk Glei, cây cầu tre bắc ngang suối Đăk Rơ Nga là lối đi duy nhất để người dân thôn Đăk Tăng (xã Ngọc Tụ) đến khu sản xuất rộng hơn 70 ha.
Cầu dựng tạm bằng tre, dài hơn 30 m. Người dân dùng dây thép, dây vải, đinh để gắn những thân tre lại với nhau. Cầu tạm nên năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão, lại bị cuốn trôi.
Còn tại xã Kon Đào (H.Đăk Tô) có cây cầu treo nối thôn 5 với khu sản xuất bên kia suối Đăk Rnghe đã bị hư hỏng từ vài năm trước. Cầu chưa được sửa nên khi đi canh tác, sản xuất, người dân thôn 5 phải lội qua suối.
Hiện Kon Tum đang vào mùa mưa bão, những cây cầu tạm của người dân tự làm để vượt suối không còn đảm bảo an toàn, phục vụ đi lại, canh tác. Các địa phương đã lên phương án để sửa chữa, nâng cấp các cây cầu treo, cầu dân sinh bị hư hỏng xuống cấp nhằm phục vụ việc đi lại, đảm bảo an toàn cho người dân.