Cuối năm 2000, dự án tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông (Q.Bình Tân, TP.HCM) được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 với tổng diện tích hơn 47 ha. Gia đình ông Trương Văn Hoàng (58 tuổi, ngụ đường Đất Mới, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân) có 5.140 m2 đất trong dự án do cha mẹ để lại. Trước đây, gia đình trồng lúa nhưng đến khi có quy hoạch, việc canh tác đứt quãng do chủ đầu tư san nền, bít mương thoát nước, dẫn nước từ kênh vào.
Quy hoạch có, dự án có nhưng chủ đầu tư không thương lượng bồi thường, đất đai cũng không thể canh tác, gia đình ông Hoàng mất trắng thu nhập. Từ năm 2014, ông cùng 13 người khác gửi đơn tập thể đến Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM đề nghị xóa quy hoạch treo để người dân chuyển mục đích sử dụng đất, chia lại cho con cháu hoặc tự làm ăn, buôn bán. Đơn được chuyển về cho UBND Q.Bình Tân, Sở TN-MT, Sở QH-KT nhưng "quả bóng trách nhiệm" chuyền qua chuyền lại giữa sở, địa phương và chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC) rồi đi vào quên lãng.
Ông Hoàng so sánh phần đất của mình và những hộ dân chưa được đền bù giống như "khúc xương", tức là làm công viên, cây xanh, thể dục - thể thao công cộng thường không sinh lợi nhuận nên chủ đầu tư không mặn mà. Vào thời điểm năm 2015, UBND Q.Bình Tân cũng cho biết địa phương liên tục nhận được đơn thư của người dân khiếu nại chủ đầu tư chậm tiến độ bồi thường, bồi thường giá thấp, quy hoạch treo làm ảnh hưởng đến người dân. Theo đó, diện tích chưa đền bù khoảng 10,7 ha, chủ yếu thuộc các khu vực quy hoạch công viên cây xanh và công trình công cộng.
"Chúng tôi chỉ có 2 đề nghị, thứ nhất là bồi thường thỏa đáng theo cơ chế thị trường. Nếu không thì nhà nước thu hồi dự án, xóa quy hoạch treo để người dân thực hiện các quyền của mình. Hơn 20 năm nằm trong quy hoạch treo, chúng tôi khổ lắm rồi", ông Hoàng than thở.
Quyết liệt thu hồi
Những dự án kéo dài hơn 20 năm như tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông không phải hiếm tại TP.HCM. Tại H.Bình Chánh, nơi được coi là "thủ phủ" của dự án treo, trong đó dự án khu đô thị Sing Việt (xã Lê Minh Xuân) đã kéo dài sang năm thứ 27 nhưng vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành. Dự án này rộng hơn 330 ha, ảnh hưởng đến khoảng 570 hộ dân nhưng đến nay chưa hoàn tất công tác bồi thường, tái định cư. Mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, người dân lại phản ánh, đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM cũng đồng cảm và tiếp thu, hứa hẹn nhưng thực tế thì không chuyển biến nhiều. Những bức xúc, dồn nén tích tụ khiến dự án này trở thành một trong 8 vụ khiếu nại đông người, kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn TP.HCM chưa được giải quyết dứt điểm.
Khu đô thị Sing Việt là một trong số gần 90 dự án mà UBND H.Bình Chánh gửi thông báo nhắc nhở, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hồi giữa năm 2022. Địa phương ra điều kiện trong vòng 1 năm, nếu chủ đầu tư vẫn không có chuyển động thì huyện sẽ gửi văn bản đề nghị UBND TP.HCM thu hồi dự án. Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 17.12, lãnh đạo UBND H.Bình Chánh cho biết đã báo cáo Sở TN-MT tình hình dự án chậm triển khai trên địa bàn, đồng thời đề xuất thu hồi các dự án kéo dài trên 10 năm.
Thu hồi dự án kéo dài, không khả thi là chủ trương của HĐND TP.HCM. Tuy nhiên, việc hủy bỏ dự án không đồng nghĩa với việc người dân sẽ có được ngay những quyền lợi chính đáng bị trói buộc suốt nhiều năm. Điển hình như khu "tam giác vàng" Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) nằm trong danh mục 61 dự án được HĐND TP.HCM hủy bỏ hồi cuối năm 2020. Đến nay, người dân vẫn bị hạn chế về quyền lợi vì quy hoạch khu vực này sau hơn 3 năm vẫn chưa điều chỉnh. Tình cảnh éo le này hoàn toàn có thể tái diễn đối với dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu cũng trên địa bàn Q.1 nếu sau khi thu hồi dự án nhưng quy hoạch vẫn giữ nguyên.
Cuối nhiệm kỳ mới điều chỉnh xong quy hoạch
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, thừa nhận bất cập của quy hoạch thời gian qua là tính khả thi không cao, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Việc bố trí các chức năng chưa phù hợp, trùng với nhà đất của người dân, việc khảo sát lấy thông tin thực địa cũng chưa sát. Những bất cập này tập trung ở giai đoạn 2012 - 2013 do số lượng quy hoạch phân khu được lập khá lớn với gần 600 đồ án.
Giải trình trước HĐND TP.HCM, ông Nhã cho biết Sở QH-KT đang tập trung điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, TP.HCM định lại các cấu trúc không gian, tìm động lực phát triển mới thông qua xác định chức năng mới hợp lý hơn, đột phá hơn nhưng phải bền vững hơn, phân bổ lại dân số hợp lý, hài hòa và phù hợp địa bàn.
"Đô thị phát triển theo hướng đa trung tâm, không nén vào những khu trung tâm cũ nữa mà tạo các hướng phát triển mới cho toàn TP.HCM, cải thiện các chỉ tiêu về cây xanh, y tế, giao thông, tiện ích công cộng", ông Nhã cho biết và khẳng định đợt điều chỉnh quy hoạch chung lần này sẽ chú ý tăng tính khả thi, không để rơi vào vết xe cũ.
Giám đốc Sở QH-KT cũng cho hay những bất cập thời gian qua đã được sở ghi nhận, tích hợp và đưa vào đầu bài của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Về tiến độ, hiện đồ án đã thực hiện đến giai đoạn giữa kỳ, dự kiến còn 1 tháng nữa sẽ hoàn thành để báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt. Sau khi đồ án quy hoạch chung được thông qua, TP.HCM sẽ hệ thống, phân bổ vào quy hoạch phân khu để triển khai tiếp.
Ông Nhã cho biết thêm đầu năm 2024 sẽ bắt đầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu trên toàn địa bàn TP.HCM. Quá trình này dự kiến mất 1 năm, thậm chí có thể phải hết nhiệm kỳ mới hệ thống lại quy hoạch phân khu một cách toàn diện. "Sở QH-KT sẽ phối hợp quận, huyện làm theo phương pháp mới, yêu cầu mới, tích hợp yêu cầu của người dân, của TP vào trong các quy hoạch phân khu. Đồng thời, tổng hợp, phân tích nguyên nhân, hậu quả, hạn chế từ thực tiễn để đưa vào từng quy hoạch chi tiết", ông Nhã nói thêm.
Rà soát lại quy hoạch trên toàn TP.HCM
Tại kỳ họp mới đây của HĐND TP.HCM, vấn đề quy hoạch treo, dự án treo tiếp tục được đại biểu nêu ra. Bà Lê Thị Ngọc Thanh, Phó bí thư Đảng ủy Sở GTVT, cho biết có những tuyến đường hẻm rất nhỏ, tuyến hẻm không thông, hẻm cụt cũng quy hoạch rộng 15 - 30 m, rồi 15 - 20 năm không thực hiện ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
"Khi tiếp xúc cử tri cứ nghe hoài chuyện này. Cử tri đặt vấn đề là khi nào làm, và làm như thế nào chứ không thể nghe đại biểu cứ hứa, đề xuất mà không biết đề xuất với ai, bao giờ làm", bà Thanh nói và cho rằng cần rà soát công tác quy hoạch toàn TP.HCM để đánh giá xem quy hoạch nào trên 20 năm chưa thực hiện, không khả thi để kịp thời điều chỉnh.
Thi ý tưởng quy hoạch bán đảo Bình Quới - Thanh Đa
31 năm trước, TP.HCM thông báo ý tưởng quy hoạch bán đảo Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh) thành khu văn hóa, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí phục vụ người dân và du khách.
Sau nhiều lần thay đổi nhà đầu tư dù là doanh nghiệp trong nước hay liên danh với nước ngoài, dự án này vẫn nằm trên giấy. Khu đất rộng 427 ha đến nay vẫn chủ yếu là cây cối, gần 17.000 người nương náu chủ yếu trong những căn nhà lụp xụp. Dù quy hoạch cùng thời với khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) nhưng bán đảo Thanh Đa vẫn còn hoang sơ.
Mới đây, UBND TP.HCM lên kế hoạch thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Kết quả cuộc thi sẽ được Sở QH-KT tham mưu UBND TP.HCM xem xét lựa chọn các nội dung quan trọng đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Dự kiến kết quả thi tuyển sẽ được công bố vào đầu tháng 3.2024. Yêu cầu đối với đơn vị tư vấn là phải có kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu về VN và từng tham gia thiết kế đồ án quy hoạch trên thế giới có quy mô và tính chất tương đương.