GDP đạt 430 tỉ USD, Việt Nam vào nhóm trung bình cao của thế giới

09:57 - 21/05/2024

Tăng trưởng GDP dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn ở mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, đưa Việt Nam bước vào nhóm các nước trung bình cao. Dù vậy, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Dành 680.000 tỉ đồng chi tăng lương

Sáng 20.5, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo bổ sung kết quả thực hiện phát triển KT-XH năm 2023 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XV. Chính phủ đánh giá có "nhiều thay đổi tích cực hơn" so với những nhận định đã báo cáo QH trước đó. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được trong năm 2023 là rất đáng ghi nhận, trân trọng và tự hào.

GDP đạt 430 tỉ USD, Việt Nam vào nhóm trung bình cao của thế giới

Tình hình KT-XH được đánh giá đang có nhiều chuyển biến tích cực

NGỌC THẮNG

Một số chỉ tiêu KT-XH đạt cao hơn, như tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (báo cáo 5%), tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD (GDP năm 2022 là 406 tỉ USD), bước vào nhóm các nước trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25% (đã báo cáo tăng khoảng 3,5%).

Tính đến hết năm 2023, Chính phủ đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%. Số hộ gia đình có thu nhập tăng lên và ổn định đạt 94,1%.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Tính chung 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỉ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỉ USD, tăng 73,2%. FDI thực hiện đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào VN trong các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Một điểm sáng khác là loạt các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia được khởi công như dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng nhà ga T2 - sân bay Nội Bài. Đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30 km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79 km), nâng tổng số ki lô mét đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000 km.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), người dân còn gặp nhiều khó khăn. Riêng 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86.400 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng chưa đạt yêu cầu. Các ngân hàng thương mại đã cam kết tín dụng cho 15 dự án nhà ở xã hội với số tiền cam kết khoảng 7.000 tỉ đồng, song mới giải ngân cho 12 dự án với tổng số tiền 956 tỉ đồng.

Nhiều thách thức cần vượt qua

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, KT-XH 4 tháng đầu năm bộc lộ những khó khăn, thách thức. Đặc biệt, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn. "Hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường", ông Thanh nêu.

Về hoạt động DN, 4 tháng đầu năm, cả nước có 81.300 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng lại có đến 86.400 DN rút lui khỏi thị trường. Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường thấp hơn số lượng DN rút lui khỏi thị trường.

Cạnh đó, theo Ủy ban Kinh tế QH, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Việc chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng. Một số dự án giao thông quan trọng chưa bảo đảm tiến độ thi công. Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng ĐBSCL và khu vực phía nam bị thiếu cát san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công.

Cũng theo cơ quan thẩm tra của QH, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. DN bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Song, những tháng đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến. Thậm chí, giá nhà ở xã hội đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng ngoài khả năng chi trả của người lao động có nhu cầu mua nhà ở.

Cho rằng người có nhu cầu không thể mua được do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh lệch giá nhà ở xã hội rất lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế hậu kiểm, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ tình trạng đầu cơ đất đai trong thời gian qua đã dẫn đến một số hệ lụy, khiến người có nhu cầu thực để ở, để sản xuất, kinh doanh không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ. Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của DN, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Cạnh đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, nghĩa là lực lượng yếu thế trong xã hội, những người nghèo đang phải chi trả cho người giàu cho nhu cầu cơ bản về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng. Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển KT-XH của đất nước, thậm chí về lâu dài có thể dẫn đến bất ổn xã hội.

Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng 20.5, tại phiên khai mạc, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, "nói đi đôi với làm", thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Tuy vậy, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, trăn trở về tình trạng số DN giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, vé máy bay tiếp tục tăng; tiêu thụ nông, lâm, thủy sản còn khó khăn, kinh tế du lịch phục hồi chưa vững chắc; giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.

Cử tri cũng lo ngại tình trạng thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh; chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở còn thấp, vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến T.Ư; cùng đó là nguy cơ ngộ độc ở các bếp ăn tập thể; tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trước thực tế nêu trên, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình giảm nghèo và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội.

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn để hạn chế các DN rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các DN phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động; tổng rà soát, tập hợp toàn bộ kiến nghị của cư dân ở các khu chung cư trong toàn quốc để nghiên cứu giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý…

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Phía sau cái chết - SCTV14

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Hình Cảnh - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh