Những công nghệ đang được áp dụng thành công trong lĩnh vực như y tế, ngân hàng, tư pháp, giải quyết thủ tục hành chính, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Chiều 12/7, trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án số 06 của Chính phủ, tại trụ sở Chính phủ, Bộ Công an đã tổ chức triển lãm giới thiệu các mô hình chuyển đổi số tiên tiến nhất hiện nay.
Máy quét chuyên dụng sử dụng trong lĩnh vực giao thông, thiết bị kiểm soát an ninh qua cửa sân bay, thiết bị đọc quét giấy tờ tùy thân chỉ là một phần trong số 43 mô hình ứng dụng trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia được giới thiệu trong triển lãm. Trong đó, có những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, được ứng dụng trong lĩnh vực giao thông như hệ thống nhận dạng, truy vết, đang được lắp đặt tại nút giao Ô Chợ Dừa – Hà Nội. Tất cả các phương tiện giao thông đi qua đây đều được nhận dạng rõ ràng biển số, chủng loại xe, thậm chí cả hành vi vi phạm giao thông hay tình trạng đăng kiểm. Tất cả các lỗi vi phạm như dừng, đỗ sai quy định đều được truyền về trung tâm điều khiển theo thời gian thực để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.
Là một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, tập đoàn FPT cũng xây dựng hệ thống phần mềm giám sát thi cử bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp. Hệ thống này có thể kiểm soát chính xác các thí sinh vào dự thi thông qua các dữ liệu sinh trắc, loại bỏ hoàn toàn tình trạng thi hộ. Đơn vị này cũng xây dựng 30 mô hình tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, hiện 90% thủ tục hành chính tại Hà Nội, Tây Ninh, Quảng Ninh và Hải Phòng được thực hiện trên mô hình này.
Dù được các đơn vị triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, nhưng tất cả các thiết bị này đều hoạt động trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư, mã định danh điện tử VNeID và thẻ căn cước công dân gắn chíp. Đây được xác định là yếu tố mấu chốt để xây dựng mô hình thành phố thông minh.
Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp hơn 80 triệu thẻ căn căn cước công dân gắn chíp điện tử. Đây là nền tảng ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật. Cụ thể, đã có hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng căn cước công dân gắn chíp tích hợp bảo hiểm y tế, với hơn 36 triệu công dân sử dụng căn cước công dân đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Nhiều ứng dụng khác trong các lĩnh vực hành chính công, ngân hàng, giáo dục… cũng đang mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...