Theo một nghiên cứu, các tổ chức y tế trên thế giới ngày càng trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng.
Các chuyên gia công nghệ thông tin cảnh báo việc Ấn Độ đẩy nhanh tốc độ số hóa dữ liệu y tế mà thiếu các biện pháp bảo vệ phù hợp đã làm tăng nguy cơ tấn công mạng và rò rỉ thông tin cá nhân.
Tháng 6 vừa qua, cổng thông tin về tiêm chủng của Ấn Độ CoWin đã bị rò rỉ dữ liệu, trong đó có thông tin của hàng triệu người dân liên quan đến tên, số định danh, số điện thoại di động, mã số cử tri, hộ chiếu và tình trạng tiêm chủng COVID-19. Đây là một trong những vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất tại nước này. Các chuyên gia công nghệ đánh giá, vụ rò rỉ dữ liệu y tế này đặc biệt đáng lo ngại vì khiến các cá nhân dễ bị lừa đảo, quấy rối và phân biệt đối xử. Trong khi đó, luật pháp Ấn Độ chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, tình trạng trên làm suy yếu mục tiêu của Ấn Độ trong việc phát triển và xuất khẩu sang các nước châu Á và châu Phi các mô hình cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số như ứng dụng quản lý dữ liệu dân cư Aadhaar, hệ thống thanh toán di động UPI và nền tảng dữ liệu về y tế quốc gia. Giới chức Ấn Độ tin tưởng đây là những mô hình sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận và hiệu quả của dịch vụ công.
Theo một nghiên cứu của công ty an ninh mạng CloudSEK, các tổ chức y tế trên thế giới ngày càng trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng, trong đó hồ sơ tiêm chủng và thông tin cá nhân của bệnh nhân cũng như nhân viên y tế thường xuyên bị nhắm tới. Bên cạnh đó, Ấn Độ là mục tiêu lớn nhất của các cuộc tấn công mạng sau Mỹ vào năm 2021 và 2022, với gần 500 cuộc tấn công vào năm ngoái, tăng gần 25%. Một nghiên cứu của nhà cung cấp dịch vụ mạng riêng ảo NordVPN vào năm ngoái cho thấy Ấn Độ là quốc gia bị rò rỉ dữ liệu nặng nề nhất, với khoảng 600.000 người đã bị tin tặc đánh cắp dữ liệu và rao bán trên không gian mạng.
Giám đốc chính sách châu Á Raman Jit Singh Chima của nhóm Access Now cho rằng việc đẩy nhanh số hóa hạ tầng công khiến người dân Ấn Độ đối mặt với nguy cơ bị thu thập và xâm phạm dữ liệu. Trong khi đó, Giám đốc chính sách của tổ chức phi chính phủ Internet Freedom Foundation, Prateek Waghre cho hay chính sách an ninh mạng của Ấn Độ đã không được cập nhật kể từ năm 2013, khiến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đang mở rộng của nước này dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa mới.
Vào tháng 11 năm ngoái, Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ (AIIMS) đã bị tấn công mạng khiến các máy chủ của viện bị đóng cửa và làm gián đoạn việc chăm sóc bệnh nhân trong nhiều tuần. Nhà chức trách Ấn Độ cho hay cuộc tấn công được thực hiện từ nước ngoài và đã làm rò rỉ hồ sơ của 40 triệu bệnh nhân. Ông Amulya Nidhi, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Jan Swasthya Abhiyan đánh giá bất kỳ vụ rò rỉ dữ liệu nào cũng gây tác động tiêu cực. Đặc biệt, việc rò rỉ các dữ liệu liên quan đến thông tin nhạy cảm như mang thai, điều trị HIV hoặc tiêm chủng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân cũng như toàn xã hội.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...