Còn ông Phùng Nhật Anh, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), thông tin giáo viên (GV) định hình các công việc cần làm cụ thể theo từng giai đoạn, có tiến độ rõ ràng.
Vị hiệu trưởng này nói thêm, với đề thi theo chương trình mới, mục tiêu không còn là kiểm tra kiến thức đơn thuần mà còn là kỹ năng vận dụng kiến thức nên đòi hỏi GV phải thay đổi suy nghĩ khi xây dựng ma trận đề thi. Ngoài ra, nhà trường còn yêu cầu GV đưa các bài giảng lên hệ thống học trực tuyến LMS để HS có thể xem các bài giảng mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, biên soạn các phiếu trắc nghiệm với cấu trúc và yêu cầu đánh giá như đề tham khảo của Bộ để HS tập làm quen.
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết nhà trường xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho HS lớp 12 với 6 nội dung cụ thể và giao cho các tổ chuyên môn, các bộ phận phụ trách hoạt động giáo dục chịu trách nhiệm. Các tổ chuyên môn phân tích kỹ lưỡng đề thi mẫu, nắm bắt cấu trúc, độ khó, và những thay đổi để định hướng đúng cách dạy và học cho HS.
Đặc biệt, cần tăng cường những phần kiến thức mà đề thi tham khảo đặt trọng tâm. Nhà trường có thể tổ chức các kỳ thi thử theo cấu trúc của đề thi mẫu để HS làm quen với áp lực thi cử và thời gian làm bài. Sau các kỳ thi thử, GV cần có buổi tổng kết để chỉ ra lỗi sai và hướng dẫn cách khắc phục.
Ông Phú cho biết thêm ngoài việc học kiến thức nhà trường cần chú trọng đến việc tư vấn tâm lý cho HS, giúp các em tự tin, không bị căng thẳng trước kỳ thi. Hướng dẫn HS về kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng đọc hiểu nhanh và phương pháp làm bài hiệu quả trong các kỳ thi. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng này sẽ giúp HS lớp 12 có thể thích nghi tốt với đề thi mới và đạt được kết quả cao.