Có hơn 2 ha đất trồng lúa trong Tổ hợp tác số 12, ông Lê Hồng Thuận cho biết: "Giai đoạn năm 2000, chủ HTX bơm tưới Tân Hòa (Trạm bơm Tân Hòa) chạy bơm nước với chi phí quy ra lúa. Cứ 1.000 m2 đất ruộng, nông dân phải trả 70 kg lúa/vụ, mỗi năm làm 3 vụ thì trả tổng cộng 210 kg lúa. Sau đó, họ giảm xuống mỗi vụ là 60 kg lúa/1.000 m2, rồi 42 kg lúa/1.000 m2. Từ năm 2013 - 2023, giá bơm nước là 37 kg lúa/1.000 m2 mỗi vụ. Trong khi các cánh đồng khác tại H.Tân Hồng như: Thông Bình, Tân Thành A, Bình Phú, Tân Phước, An Phước… chủ đầu tư đều chạy bơm nước thu bằng tiền và trung bình 125.000 - 210.000 đồng/1.000 m2 mỗi vụ".
Hết vụ đông xuân 2023 - 2024, Trạm bơm Tân Hòa hết hợp đồng với người dân. Do không chấp nhận giá thu tiền bơm nước quy ra lúa quá cao nêu trên, hơn 100 hộ dân Tổ hợp tác số 12 yêu cầu hạ giá nhưng không được xem xét, giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Tâm, có 2,6 ha lúa trong Tổ hợp tác số 12, nói: "Tới vụ lúa hè thu 2024, các hộ dân yêu cầu thu bằng tiền 200.000 đồng/1.000 m2 mỗi vụ cho phù hợp thực tế, nhưng chủ trạm bơm chỉ đồng ý giảm từ 37 kg xuống còn 36 kg/1.000 m2 mỗi vụ. Nếu tính giá 7.500 đồng/kg lúa thì với 36 kg lúa/vụ, chúng tôi phải trả chi phí bơm tưới 315.000 đồng/vụ, tức gần 950.000 đồng cho 3 vụ lúa mỗi năm. Như vậy là rất cao".
Theo đại diện Tổ hợp tác số 12, các cánh đồng xã Tân Hộ Cơ là vùng đất gò cao nên phải bơm nước lên ruộng. Trạm bơm Tân Hòa phục vụ bơm tưới cho gần 600 ha, trong đó có 180 ha của Tổ hợp tác số 12. Từ ngày 22.3 đến nay, do không thống nhất với giá bơm nước của Trạm bơm Tân Hòa, Tổ hợp tác số 12 đã nhiều lần phản ánh với Đảng ủy, UBND xã Tân Hộ Cơ (UBND H.Tân Hồng) và gửi đơn cho lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Mong muốn của người dân là cần có chủ đầu tư mới bơm nước với giá hợp lý hơn.
Ngày 20.4 vừa qua, trước sự chứng kiến của ông Phan Thành Tuấn (đại diện Trạm bơm Tân Hòa) và 67 hộ dân Tổ hợp tác số 12, lãnh đạo Phòng NN-PTNT H.Tân Hồng phối hợp Đảng ủy, UBND xã Tân Hộ Cơ tổ chức đấu giá chọn chủ đầu tư mới. Kết quả, ông Phạm Trọng Trí là người được phục vụ bơm tưới nước cho Tổ hợp tác số 12, với mức thu 200.000 đồng/1.000 m2 mỗi vụ.
Ông Nguyễn Văn Đỡ, thành viên Tổ hợp tác số 12, bức xúc nói: "Chủ đầu tư của Trạm bơm Tân Hòa lâu nay thu phí cao, người dân ý kiến rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Chúng tôi thà bỏ đồng khô, không sạ lúa, chứ không thống nhất cho chủ trạm bơm cũ tưới tiêu nữa. Đến nay, chúng tôi đã trễ lịch sạ lúa vụ hè thu so với kế hoạch chung hơn 20 ngày".
Nhà nước đầu tư rồi bán cho tư nhân khai thác
Theo hồ sơ của PV Thanh Niên có được, ngày 24.5.1999, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định giao cho Công ty thủy nông và PTNN tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt Công ty thủy nông Đồng Tháp) làm chủ đầu tư dự án Trạm bơm điện Tân Hòa, H.Tân Hồng với tổng kinh phí hơn 1,9 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 1 tỉ đồng, vốn vay 500 triệu, còn lại là vốn của Công ty thủy nông Đồng Tháp. Dự án bao gồm hai đập thượng lưu, hạ lưu kênh Tân Hòa, các cống, kênh tiêu... và các thiết bị phục vụ bơm tưới nước diện tích khoảng 740 ha đất canh tác.
Đến ngày 14.3.2000, Công ty thủy nông Đồng Tháp ký Hợp đồng kinh tế số 34/HĐKT/2000, bán Trạm bơm điện Tân Hòa cho HTX bơm tưới nước Tân Hòa, do ông Phan Sơn Trắng (đã mất), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Hộ Cơ, làm đại diện với giá 1,5 tỉ đồng.
Theo hợp đồng, HTX bơm tưới nước Tân Hòa phải thực hiện một số hạng mục còn lại của dự án, không tự ý nâng giá bơm nước mà công ty đã ký với các hộ dân. Sau khi ông Trắng mất, ông Phan Thanh Tuấn (con trai ông Trắng) tiếp tục đại diện khai thác Trạm bơm Tân Hòa cho đến nay.
Ông Lê Hồng Thái, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tân Hồng, cho biết: "Lãnh đạo huyện đã họp với các ngành chuyên môn và Đảng ủy, UBND xã Tân Hộ Cơ để xử lý việc bơm tưới nước cho Tổ hợp tác số 12 để người dân kịp lịch xuống giống vụ hè thu. Chúng tôi cũng đã mời chủ đầu tư cũ và chủ đầu tư mới họp để xem xét lại giá trị tài sản của Trạm bơm Tân Hòa cũ đang khai thác. Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được kế hoạch, phương án khai thác phục vụ tưới tiêu sắp tới của chủ đầu tư mới".