Viện kiểm sát (VKS) một lần nữa khẳng định CNS là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, TIE là DN trực thuộc Sở Công thương có 70% vốn của CNS; do vậy phải tuân theo các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại DN.
Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại CNS, TIE đã đề xuất, quyết định và thực hiện quy trình chi tiền ở quỹ khen thưởng tại CNS và thoái vốn tại TIE không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước là tiền của Công ty CNS với hơn 22 tỉ đồng (quỹ khen thưởng hơn 17,3 tỉ đồng; thoái vốn trái quy định tại TIE hơn 4,6 tỉ đồng).
Về quan điểm bào chữa của một số luật sư cho rằng tiền tại quỹ khen thưởng của DN 100% vốn nhà nước không phải là tài sản nhà nước, căn cứ theo quy định tại khoản 3, khoản 4, điều 32 Nghị định 91/2015/ND-CP; điều 63, điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC. Bởi đây là khoản tiền được phân phối từ lợi nhuận sau thuế, được hạch toán vào tài khoản nợ phải trả ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán kèm báo cáo tài chính hằng năm của DN. Và vì quỹ khen thưởng không phải là vốn chủ sở hữu, không phải tài sản nhà nước đầu tư tại DN, nên các luật sư đề nghị HĐXX xem xét thêm các bị cáo liên quan có gây thiệt hại cho nhà nước hơn 17,3 tỉ đồng hay không.
Viện kiểm sát: Quỹ khen thưởng tại CNS là tài sản nhà nước
Đối đáp, VKS khẳng định quỹ khen thưởng là tài sản nhà nước, bởi CNS là DN do UBND TP.HCM nắm 100% vốn điều lệ. Các hoạt động của DN được hoạt động theo quy định luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN năm 2014, luật DN năm 2020, Nghị định 91/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo VKS, trong đó, khoản 1, điều 32 Nghị định 91/2015 ghi rõ việc sử dụng các quỹ của DN nhà nước phải đúng mục đích, đúng đối tượng. Như vậy, Nghị định 91 đã xác định các quỹ tại DN nhà nước là quỹ của DN. CNS là DN nhà nước, nên quỹ của DN chính là tài sản nhà nước.
VKS phân tích, pháp luật cũng quy định việc khen thưởng phải được thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, gồm luật Kế toán, Nghị định 91 của Chính phủ và các quy định khác. Khi các tổ chức, cá nhân nhận được tiền thưởng theo quy định thì tiền đó mới thuộc về các cá nhân, tổ chức; còn trước đó, toàn bộ số tiền thuộc quỹ khen thưởng vẫn thuộc quyền sở hữu của CNS, tức là của nhà nước.
Ngoài ra, theo VKS, nhà nước là chủ sở hữu đối với tài sản trong DN nhà nước. Bởi nhà nước cấp vốn đầu tư ban đầu, nhà nước cũng bổ nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng nhất trong DN nhà nước…
Do vậy, VKS một lần nữa khẳng định quỹ tiền thưởng của CNS là tài sản nhà nước, và các bị cáo liên quan không bị oan trong hành vi này.
Đối với hành vi vi phạm gây thất thoát quỹ khen thưởng hơn 17,3 tỉ đồng, theo hồ sơ, lãnh đạo CNS thống nhất về việc sử dụng nguồn tiền từ quỹ khen thưởng của CNS để phục vụ đối ngoại, ngoại giao, tri ân với đơn vị, cá nhân ngoài CNS vào các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, các bị cáo không thực hiện theo quy định của luật Kế toán, khi tất cả các bộ hồ sơ chi thưởng đều không có danh sách cá nhân được khen thưởng ký nhận cụ thể và không nêu rõ thành tích hỗ trợ, đóng góp cho CNS để được khen thưởng theo tiêu chí, điều kiện quy định, gây thất thoát hơn 17,3 tỉ đồng của CNS. Trong khi đó, thực tế nguồn tiền lại chi cho người đề xuất/bộ phận đề xuất.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX thông báo sẽ tuyên án vào 16 giờ hôm nay.
Hôm qua 30.5, trong phần luận lội, đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Chu Tiến Dũng (cựu Tổng giám đốc CNS) từ 7 – 8 năm tù, Đỗ Văn Ngà (cựu Kế toán trưởng CNS) từ 6 – 7 năm tù, Nguyễn Hoành Hoa (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên CNS) và Nguyễn Hoàng Anh (cựu Chánh văn phòng CNS) từ 3 – 4 năm tù. 6 bị cáo còn lại trong vụ án VKS đề nghị từ 15 – 36 tháng tù treo.