Tại tọa đàm, các diễn giả là các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà khoa học… đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, đưa ra kiến nghị, giải pháp giúp các nhà khoa học hiện thực mục tiêu quá trình khởi nghiệp.
Muốn khởi nghiệp nhưng sợ lạc trong "mê cung"
Theo PGS Mai Anh Tuấn, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), từ góc nhìn của một người đang làm việc trong giới hàn lâm, ông nhận thấy có rất nhiều gian truân với những nhà khoa học có ý định khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu của mình.
Rào cản đầu tiên là những thủ tục hành chính. Bước vào đó nhà khoa học có cảm giác như bước vào mê cung, cách giải quyết tốt nhất là quay trở lại ngay để không lạc vào mê cung đó.
Trong các khó khăn về thủ tục hành chính thì cái khiến các nhà khoa học khó vượt qua nhất là những quy định về tài chính. Bộ KH-CN đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các nhà khoa học mà Quỹ Nafosted là một minh chứng dễ nhận thấy. Đây là bước đột phá giúp các nhà khoa học trẻ tiếp cận nguồn vốn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản.
Nhưng đến bước tiếp theo, đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế, thì họ gặp nhiều khó khăn hơn. Với các doanh nghiệp, việc định giá một ý tưởng sáng tạo rất đơn giản. Nhưng trong môi trường đại học, ai định giá, định giá thế nào, xác định góp vốn, thoái vốn ra sao… thì đó là những vấn đề mà để có được câu trả lời thì thời gian phải tính theo năm. Trong khi các nhà đầu tư họ tính thời gian theo tháng, cùng lắm là một quý. Khi không đợi được thì họ sẽ tìm chỗ khác.
Còn ông Lương Văn Trường, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương (đơn vị chuyên nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ ngành trồng lúa tại Việt Nam) nêu ý kiến, khi thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, nhà khoa học chủ nhân của nghiên cứu đó sẽ có một lợi thế lớn là rất yêu, rất am hiểu sản phẩm "con đẻ" của mình.
Nhưng lợi thế đó lại là nhược điểm khi mà quá trình thương mại hóa đòi hỏi nhiều yếu tố bên cạnh sản phẩm, đó là nhân sự, là quản trị, là sản xuất… "Nếu quá yêu sản phẩm của mình, đi đâu cũng chỉ nói về sản phẩm của mình thì sẽ rất khó bán được hàng", ông Trường nhận xét.
Theo ông Bùi Xuân Hương, Phó giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank, các khó khăn mà nhà khoa học khi khởi nghiệp thường gặp phải đầu tiên phải kể đến tài chính (vốn), thứ hai là kinh nghiệm bán hàng và năng lực tổ chức.
"Để quyết định đầu tư cho một khách hàng hay không, ngoài việc xem xét ý tưởng (phải là lĩnh vực mà ngân hàng thấy có tiềm năng) chúng tôi còn phải quan tâm là việc triển khai ý tưởng đó có đáp ứng được các tiêu chí ESG: môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Khi thỏa mãn các điều kiện đó rồi chúng tôi sẽ quyết định tham gia tài trợ", ông Hương nói.
Cần bạn đồng hành là những người am hiểu thị trường
TS Trịnh Hòa, đồng sáng lập Công ty nhựa sinh học Buyo chia sẻ về kinh nghiệm từ trải nghiệm khởi nghiệp của chính mình: "Làm sao để đưa sản phẩm ra thị trường? Với nhà khoa học thì đây là vấn đề khó khăn.
Vì thế rất cần trong đội ngũ có người làm về thương mại, người thực sự có tầm nhìn và có năng lực điều hành. Khi đó nhà khoa học phải theo sự chỉ đạo của người có khả năng am hiểu và sâu sát với thị trường đó".
TS Trịnh Hòa cũng khuyên các nhà khoa học khi đã mạnh dạn bước chân khởi nghiệp thì cần có khát vọng tạo được tầm vóc quốc tế, tự tin bước ra thế giới chứ không chỉ loanh quanh trên "sân nhà".
Các bạn trẻ có thể tìm kiếm cơ hội thông qua việc tham gia các giải thưởng, các vườn ươm khởi nghiệp, những chương trình tăng tốc… "Các bạn nếu tốt về tiếng Anh, có khát vọng vươn xa thì nên đi theo con đường đó, nên mạnh dạn tham gia để có chiến thắng", TS Trịnh Hòa gợi ý.
Cũng theo TS Trịnh Hòa, đối với một doanh nghiệp khoa học công nghệ, phần đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển) vô cùng quan trọng. TS Hòa nói: "Tôi mong muốn các doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội đầu tư cho R&D ngay tại Việt Nam. Như với Buyo chẳng hạn, công nghệ của chúng tôi hoàn toàn thuần Việt, nguyên liệu Việt, nhân sự hoàn toàn Việt Nam.
Chúng tôi tận dụng được sức mạnh của đội ngũ nghiên cứu ngay tại Việt Nam qua việc hợp tác với các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học Việt Nam. Khi làm việc ở Buyo, các bạn trẻ không chỉ có được một công việc mà còn được chúng tôi hướng dẫn tận tình khi muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Sản phẩm khoa học mà các bạn làm ra tại Buyo không chỉ phục vụ cho Buyo mà còn giúp các bạn đáp ứng các yêu cầu để được cấp các văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ".
Còn ông Lương Văn Trường khuyên: "Muốn làm thì cứ làm đã. Mọi hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ một bước chân. Chúng ta cứ làm, mọi việc tiếp theo sẽ đến. Nhưng cứ phải bắt đầu đã".