Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước, hiện trên địa bàn có khoảng 280.900 trẻ em. Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được các cấp ngành, địa phương quan tâm, lồng ghép triển khai thực hiện hiệu quả, các quyền của trẻ em ngày càng được đảm bảo. hiệu quả và đầy đủ.
Nhiều lớp tập huấn kỹ năng về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, tuyên truyền về an toàn giao thông, dạy bơi... đã được tổ chức, thu hút đông đảo trẻ em và giáo viên tham gia. Các hoạt động bảo vệ trẻ em được triển khai cả 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp). Nhờ đó, trẻ em ngày càng có cơ hội được thực hiện quyền và bổn phận của mình.
Dù vậy, tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tử vong do tai nạn thương tích, nhất là đuối nước tại Bình Phước vẫn diễn biến phức tạp. Từ năm 2022 đến tháng 3.2024, toàn tỉnh ghi nhận 49 trẻ em tử vong do đuối nước; 135 trẻ em bị xâm hại.
Nguyên nhân trẻ em tử vong do đuối nước chủ yếu ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, một số trường hợp do bất cẩn của người thân trong gia đình. Trong khi đó, tính chất các vụ xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, xảy ra ở nhiều độ tuổi và nhiều hình thức khác nhau. Mặt khác, số trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn tiềm ẩn, một bộ phận trẻ em bị ảnh hưởng bởi những mặt trái của xã hội, bị lôi kéo tham gia các hành vi trái pháp luật… đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác giáo dục và quản lý trẻ em trên địa bàn.
Về giải pháp, các ngành chức năng đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để kịp thời phát hiện, xử lý thông tin liên quan bạo lực, xâm hại trẻ em; đẩy mạnh các chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em; đưa môn bơi vào chương trình giáo dục cho trẻ em trên địa bàn; hỗ trợ các em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng…
Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Bình Phước yêu cầu trong thời gian tới, từng thành viên ban chỉ đạo và lãnh đạo UBND cấp huyện quan tâm toàn diện đến công tác trẻ em. Có các giải pháp cụ thể cho từng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt một cách thiết thực, hiệu quả; giải quyết những tồn tại hạn chế, nhất là trong phòng chống đuối nước trẻ em, nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới.