Mồ côi mẹ từ khi lên 5. Cha đi bước nữa. Khánh Đơn ở với bà nội và các cô chú. Dù nhà nội nghèo khó nhưng chính sự giáo dục nghiêm khắc và tình yêu thương của bà nội là con thuyền vững chãi đưa Khánh Đơn vượt qua tất cả giông tố đầu đời để đi tới thành công, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Với xuất phát điểm là một cậu bé mồ côi mẹ, thiếu vắng tình cảm của cha, sống với bà nội cũng nghèo khó… thật sự không hề dễ dàng, nhất lại là vượt lên nghịch cảnh để thành công như anh?
Tôi không may mắn khi mồ côi mẹ nhưng may mắn là gia đình nội rất gia giáo. Nội có 7 người con, ai cũng được ăn học thành tài, làm ở cơ quan nhà nước, người làm bên tòa án, người làm công an…
Nhà nội lúc đó nghèo lắm, bà nội cũng độc thân nuôi con vì chồng mất. Bà nội cực lắm, làm đủ nghề để có tiền nuôi con, nuôi cháu. Bà bán rau muống, bán cam, bán các loại bánh. May mắn là 7 người con của bà nội cực kỳ ngoan và chịu khó.
Nhà nội ở Biên Hòa, Đồng Nai. 7 người con lên Sài Gòn vừa đi học vừa đi làm. Ngày đi học, tối làm gia sư, làm thêm ở công ty. Hồi đầu, mỗi tháng bà nội còn gửi vài trăm ngàn. Tới năm hai là các cô chú vừa đi học vừa gửi tiền ngược về quê cho nội nuôi tôi. Tôi lớn lên được là nhờ bà nội và các cô chú chung tay nuôi dưỡng.
Chính những cô chú là thần tượng của tôi. Tôi nhìn họ phấn đấu từng ngày, từ lúc đạp xe đi học đại học đến lúc đi làm… Khi nhìn thấy nghị lực vươn lên của nội, của các cô chú thì mình học theo. Từ môi trường đó, mình phấn đấu, khó khăn thế nào cũng phải vươn lên.
Hồi nhỏ, chiều chiều, tôi đạp xe đạp lên nhà văn hóa thiếu nhi, đứng bên ngoài học lén các bạn bên trong. May mắn là cô giám đốc nhà thiếu nhi thấy. Cô hỏi “con có muốn vào học không”. Tôi bảo “con muốn học mà con không có tiền”. Vậy là cô dắt vào lớp học và không lấy tiền.
Tôi học nhạc và đi hát ở nhà thiếu nhi từ bé mà không tốn đồng nào. Cấp 1, cấp 2, cứ dịp nào trường tổ chức văn nghệ là lên xin thầy cô cho mình hát. Từ đó, tôi làm quen với sân khấu. Lên cấp 3 là tôi dạn lắm rồi. Hát ở trường mà may đồ như ca sĩ. Hồi đó có đồ đi hát mà không có giày nên mỗi lần đi hát là qua mượn giày thằng bạn gần nhà.
Bà nội dạy đúng kiểu một người phụ nữ dưới quê dạy con. Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Ví dụ đi học lỡ đánh lộn với bạn hay đánh lộn với hàng xóm thì người đầu tiên bị phạt là mình, dù đúng hay sai. Đánh lộn là về nhà quỳ gối trước đã. Bà nội dạy rất nghiêm chứ không bênh vực cháu bất chấp.
Vậy khi thành đạt, anh báo hiếu bà thế nào?
Tới lúc tôi thành công thì con cháu, ai cũng thành công hết rồi. Bà nội mới mất 1, 2 năm trước. Nội mất trong hạnh phúc bởi vì từ nhiều năm nay, con cháu đã lo cho bà nội đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần.
Con cháu của nội rất có hiếu, không ai đùn đẩy nuôi mà ai cũng giành nuôi nội. Điều đó là nhờ quá trình bà nội thương yêu mọi người nên khi nội già thì mọi người thương yêu nội. Tôi cũng không có cơ hội báo đáp nhiều. Mỗi lần về thăm nội, đưa tiền mua quà thì nội cũng cho lại con cháu.
Nhưng điều hạnh phúc nhất với tôi, bà nội là fan trung thành và lớn nhất của tôi. Hồi đó, tôi ra album CD, DVD rất nhiều. Cứ về nhà là cả ngày chỉ nghe bà nội mở đĩa hát của mình. Bà nội rất tâm lý và có suy nghĩ hiện đại. Bà ủng hộ tôi theo đuổi đam mê nghệ thuật.
Hồi lớp 6, tôi đã bấm lỗ tai. Về nhà, cô chú mắng nhưng nội thì không. Bà nội bảo “kệ nó, nó thích giống ca sĩ mà, cứ kệ nó”. Lên cấp 3 là tôi nhuộm tóc. Hồi xưa, đi học mà nhuộm tóc, thầy cô cũng cấm nữa nhưng bà nội ủng hộ hết. Lúc tôi thành công, bà nội rất thích, suốt ngày chỉ nghe nhạc của cháu.
Anh có nhớ được cát-xê đầu tiên mình kiếm được là bao nhiêu?
Lúc đang học năm nhất trường Sân khấu Điện ảnh, tôi đi đóng quần chúng được 50.000 trừ 10.000 tiền cơm còn 40.000. Từ hồi sinh viên, tôi đã lập nhóm nhạc 3 người, đi hát đám cưới được 120.000 đồng, chia 3, mỗi đứa cũng được 40.000.
Nếu nhìn lại chặng đường đã qua, thời điểm nào anh bị chông chênh và khủng hoảng nhất?
Lúc đó, tôi ở trong công ty của nhạc sĩ Đỗ Quang, người gầy dựng nhóm 1088. Khi 1088 tan rã thì nhạc sĩ Đỗ Quang nhận ca sĩ Triệu Hoàng, Trí Hải và tôi vào công ty để đào tạo. “Xuất xưởng” sau 1088 là ca sĩ Triệu Hoàng, sau đó tôi và Trí Hải ra album cùng lúc. Vừa ra album được 1 tháng thì nhạc sĩ Đỗ Quang mất.
Album vừa ra thì thầy mất nên không thành công lắm. Lúc ở trong công ty, mình được thầy lo mọi thứ nên khi thầy mất thì tôi chơi vơi. Giống như thất nghiệp, không có gì làm.
Có người bạn rủ đi hát cho đoàn ca nhạc Sao Đêm, đoàn ca nhạc lớn nhất Việt Nam thời đó. Đêm nào, đoàn cũng làm 2 show ở 2 điểm khác nhau và họ cần một ca sĩ hát lót cho ngôi sao, đi tour 3 tháng từ Nam ra Bắc với mức lương 120.000 đồng/ đêm, bao ở, ăn mình tự lo.
Lúc đó, tôi đang thất nghiệp nên đi theo đoàn. Đó là giai đoạn khó khăn. 1 đêm tôi hát 2 điểm. Có những đêm hát mười mấy bài. Ca sĩ hát lót là hát câu giờ đợi ca sĩ ngôi sao tới. Thành ra, đêm nào, ca sĩ ngôi sao bị hư xe hay đi trễ là mình hát muốn ngộp luôn.
Có hôm tôi hát 5 bài rồi, bầu show vẫn kêu ra hát tiếp vì ca sĩ ngôi sao chưa đến. Mình đã hát đủ thể loại: rap, hiphop, ballad, trữ tình để câu giờ cho ca sĩ. Khán giả bỏ tiền ra để coi ngôi sao hát chứ đâu phải coi ca sĩ hát lót như mình. Họ đợi hoài không thấy ngôi sao mà mình hát hoài, vậy là họ đuổi “vô đi, hát hoài”.
Đi mấy tháng trời, cực kỳ khó khăn nhưng nhờ mấy tháng đó mà trau dồi cho mình rất nhiều kinh nghiệm trên sân khấu.
Sau tour xuyên Việt mấy tháng về là tôi buông luôn. Nhà trọ thuê bên quận 7 còn không có tiền đóng nên tôi định bỏ nghề. Trí Hải kêu tôi về nhà Trí Hải ở. Nhà Trí Hải khá giả, nhiều phòng, ba má cậu ấy cũng thương tôi như con cái.
Trí Hải rất giỏi nhạc lý, ngày nào 2 đứa cũng tập đàn, tập hát với nhau. Trong thời gian ở nhà Trí Hải, vì buồn nên tôi tập tành viết ca khúc rồi đưa Trí Hải hát. Thu xong, cậu ấy tung lên mạng. Hồi đó, web âm nhạc chỉ có Người Đau Khổ và Sơn Hải.nfo.
Nào ngờ băng đĩa lậu chép về bán ngập thị trường. Trí Hải nổi tiếng mà không biết mình nổi tiếng cho tới khi thấy bầu show mời đi hát tới tấp.
Khi mình có ca khúc hot thì các ca sĩ sẽ tìm tới đặt hàng. 1 ngày, tôi tiếp rất nhiều cuộc gọi của các ca sĩ nổi tiếng gọi cho mình. Họ đặt bài liên tục, mình thành nhạc sĩ lúc nào không hay. Có thời điểm, 1 tháng, tôi bán được 50, 70 bài, mỗi bài 3 triệu. Có tháng, bán bài hát được hơn trăm triệu. Lúc đó, từng đó tiền là nhiều lắm.
Anh Lâm Hùng là người mua bài số lượng lớn. Mỗi lần mua 20, 30 bài. Anh Lâm Hùng lúc đó hot lắm, nhiều tiền, đang là ngôi sao miền Tây. Nhạc của tôi thì dễ nghe, dễ thuộc nên mọi người thích. Tới giờ, anh Lâm Hùng vẫn còn nhiều bài chưa ra.
Từ chỗ không có tiền trả tiền thuê trọ và trở thành một nhạc sĩ có thu nhập tác quyền cao nhất Việt Nam đã là thành công khiến nhiều người mơ ước. Anh còn có cuộc sống viên mãn với vợ đẹp, con ngoan nữa?
Cuộc sống của tôi hiện giờ quá tốt đẹp. Tôi vẫn hay chọc bạn bè, có những người là đại gia ngàn tỷ nhưng không bao giờ sướng bằng tôi. Sáng mở mắt dậy là phải điều hành công ty bao nhiêu con người, ngày nào cũng nhức đầu, họp hành, suy nghĩ thị trường chứng khoán lên xuống…
Còn tôi, muốn ngủ tới giờ nào thức thì thức, thích đi nhậu thì đi nhậu, thích đi chơi thì đi, thích làm thì làm. Có khi cả tháng không viết bài hát mới nào, vài tháng cũng không đụng tới cây đàn hay viết nhạc.
Bình minh của tôi thường là 11, 12 giờ. Ăn trưa xong đi tập gym, chiều về tắm rửa, chơi với con rồi đi chơi với bạn bè, 12 giờ đêm 1 giờ sáng về nhà. Cuộc sống bình thản, nhẹ nhàng, không nặng đầu.
Nghe nói anh cũng rất sợ vợ?
Vợ tôi đâu chỉ mình tôi sợ, cả xóm sợ mà (cười). Thật ra, tôi không có khái niệm sợ vợ mà tôn trọng. Vợ có làm gì đâu mà mình sợ. Cái gì cũng phải có quy tắc rõ ràng. Vợ không cấm tôi đi nhậu. Ngày nào tôi đi nhậu cũng được nhưng phải có giới hạn.
Ngày xưa độc thân, mình nhậu tới 4,5 giờ sáng mới về. Giờ có gia đình, con cái rồi thì phải có giờ giới nghiêm, trễ nhất là 1 giờ khuya có mặt ở nhà. Dù gì cũng phải lo cho sức khỏe của mình nữa. Chuyện đó cũng hợp lý thôi. Hợp lý thì mình tiếp thu, nhìn nhận.
Tôi ra bàn nhậu, vui cỡ nào đi nữa, dù đang cao điểm của vui thì 1 giờ là tôi về. Mình phải có nguyên tắc. Vợ chồng phải hiểu nhau, thông cảm, nhường nhịn lẫn nhau. Vợ nóng thì chồng nhịn. Chồng nóng vợ nhịn. Vợ chồng dìu nhau đi chứ không phải chồng cương vợ cũng cương. Phải có chữ nhịn trong đó mới bền vững được.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nguồn: toquoc.vn
Đang gửi...