Hội thảo gồm 3 phiên với 11 bài báo cáo về hoạt động nghiên cứu, chẩn đoán, trị liệu tại Việt Nam và trên thế giới. Trong đó, có thể kể đến các bài báo cáo như Cập nhật tiến bộ trong nội soi tiêu hóa và tình hình ở Việt Nam của GS-TS Trần Văn Huy, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam; Chiến lược sàng lọc ung thư tiêu hóa của GS Chung Kyu Sun (Bệnh viện Hankook, Hàn Quốc)…
Tại hội thảo, GS-TS Trần Văn Huy, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam trình bày bài báo cáo Cập nhật tiến bộ trong nội soi tiêu hóa và tình hình ở Việt Nam.
GS-TS Trần Văn Huy cho biết, trong các thập niên gần đây, chuyên ngành nội soi tiêu hóa Việt Nam cũng như Trung tâm tiêu hóa và nội soi tại Bệnh viện đại học Y Dược Huế đã có nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, thành tựu nổi bật nhất là chẩn đoán và điều trị ung thư sớm ở thực quản, dạ dày và đại tràng, siêu âm nội soi can thiệp, nội soi ruột non chẩn đoán và can thiệp...
"Phương pháp nội soi phóng đại và nhuộm màu để chẩn đoán sớm ung thư ống tiêu hóa đã được nghiên cứu tại Bệnh viện đại học Y Dược Huế. Phương pháp này giúp phát hiện và chẩn đoán chính xác sớm ung thư ống tiêu hóa", GS-TS Trần Văn Huy nói.
Giáo sư Trần Văn Huy cũng cho biết thêm, chuyên ngành nội soi tiêu hóa đã trải qua một hành trình dài từ quá khứ đến hiện tại với những thành tựu đáng mong đợi. Ngành nội soi tiêu hóa Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã cố gắng từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế.
Tại hội thảo, người tham dự cũng được nghe GS Chung Kyu Sun (Bệnh viện Hankook, Hàn Quốc) trình bày bài báo cáo Chiến lược sàng lọc ung thư tiêu hóa.
Giáo sư Chung Kyu Sun cho biết, nội soi tiêu hóa có thể phát hiện bệnh ung thư như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng…
Giáo sư cũng khuyến cáo, cần nội soi định kỳ hàng năm để phát hiện tổn thương ung thư sớm ở thực quản. Đặc biệt, đối với những người từ 55 tuổi trở lên có sử dụng thuốc lá, rượu bia.
Đối với bệnh ung thư dạ dày, giáo sư cho biết: "Hiện nay, trường hợp ung thư dạ dày ở châu Á chiếm 70% trên thế giới. Ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Do đó, việc rà soát sớm là cần thiết".
Giáo sư cũng lưu ý những nguy cơ gây bệnh ung thư đại trực tràng như: thừa cân, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, không hoạt động thể chất...
"Đặc biệt, đối với người có người thân (cha mẹ, con cái, anh em...) bị ung thư đại trực tràng thì nên sàng lọc từ 40 - 50 tuổi hoặc sớm hơn 10 năm so với tuổi được chẩn đoán ung thư của người thân", giáo sư cho biết.
Ngoài ra, tại hội thảo, người tham dự cũng được nghe các bài báo cáo như Ứng dụng công nghệ định vị trong cấy ghép răng cho bệnh nhân không răng bẩm sinh của TS Võ Văn Nhân, Cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh của bác sĩ Châu Thị Ngọc Ánh...