>> Công nghiệp ô tô Việt Nam có đón bắt được “cơ hội vàng”?

Thu hẹp khoảng cách

Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán ô tô toàn thị trường tháng 5/2024 đạt 25.794 chiếc các loại, tăng 6% so với tháng liền trước và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch đạt 18.235 chiếc, tăng 6% so với tháng 4/2024; xe thương mại đạt 7.292 chiếc, tăng 7%; và các loại xe chuyên dụng đạt 276 chiếc, giảm 4%.

Lũy kế đến hết tháng 5, tổng lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường đạt 108.309 chiếc, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023. Phân khúc xe du lịch khi đạt 77.351 chiếc, giảm 7%; xe thương mại đạt 30.002 chiếc, giảm 2% và xe chuyện dụng đạt 936 chiếc, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VAMA doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước 5 tháng đầu năm 2024 đạt 54.887 chiếc, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 53.442 chiếc, ngược dòng tăng trưởng 8%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết cục đáng buồn của ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang đến?

Ô tô nhập khẩu tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa)

Các số liệu thống kê của VAMA không bao gồm doanh số bán của Liên doanh ô tô Hyundai Thành Công và Công ty VinFast. Số liệu bán hàng của Liên doanh ô tô Hyundai Thành Công cho biết tháng 5/2024 đạt doanh số 4.914 chiếc và lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 đạt 19.334 chiếc. Ước tính tổng doanh số bán xe sản xuất lắp ráp trong nước các loại đạt khoảng 83.000 chiếc trong 5 tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, lượng ô tô xuất xưởng tại Việt Nam đạt 115.900 chiếc, giảm so với 133.600 chiếc cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, sản lượng ô tô lắp ráp trong nước xuất xưởng 5 tháng đầu năm 2023 đã giảm so với con số 190.500 chiếc của 5 tháng đầu năm 2022. Như vậy ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang trên đà tăng trưởng “giật lùi”. So với 5 tháng đầu năm 2022, hiện sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đã giảm tới 74.600 chiếc.

Mặc dù sản lượng xe sản xuất lắp ráp đã giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm, chỉ còn 115.900 chiếc, nhưng doanh số bán chỉ đạt 83.000 chiếc, như vậy chênh lệch khoảng 33.000 chiếc các loại. Đây là con số đáng buồn với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Ngược lại, tổng kim ngạch xe nhập khẩu nguyên chiếc 5 tháng đầu năm 2024 là 56.805 chiếc và tiêu thụ đạt 53.442 chiếc.

Báo cáo bán hàng của Công ty Toyota Việt Nam tháng 5/2024 cho thấy, doanh số bán xe nhập khẩu nguyên đạt 5.496 xe, trong đó xe nhập khẩu nguyên chiếc, chiếm tới 3.616 chiếc, còn xe sản xuất lắp ráp trong nước chỉ đạt 1.740 chiếc. Doanh số bán xe nhập khẩu nguyên chiếc của doanh nghiệp này cao gấp 2 lần xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều mẫu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã được nhà phân phối mạnh tay ưu đãi, đại hạ giá sâu, giúp tăng doanh số và vượt lên, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Lợi thế mất dần

Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Điển hình là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu ô tô đã giảm về 0% từ năm 2018. Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu- Việt Nam (EVFTA); Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đưa thuế nhập khẩu ô tô về 0% vào năm 2030…

Trên thực tế ngay sau khi cam kết bỏ thuế suất nhập khẩu ô tô từ ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia như Thái Lan và Indonesia.

Kết cục đáng buồn của ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang đến?

Với quy mô thị trường nhỏ bé và sản lượng thấp, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khó phát triển. (Ảnh minh họa)

Với việc thực hiện các cam kết của Hiệp định EVFTA, UKVFTA, CPTPP, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU, Anh Quốc, Nhật Bản… về Việt Nam giảm liên tục trong vòng 10 năm, về 0% vào năm 2030. Sức ép từ xe nhập khẩu có chất lượng, công nghệ cao, giá cạnh tranh sẽ rất lớn, lợi thế sản xuất lắp ráp trong nước mất dần.

Mới đây, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Như vậy, nhiều khả năng các loại ô tô lắp ráp trong nước sẽ được giảm lệ phí trước bạ 50% từ ngày 1/7 cho đến hết ngày 31/12/2024. Qua đó giúp tăng trưởng về doanh số. Tuy nhiên, chính sách này chỉ mang tính ngắn hạn. Khi chấm dứt, xe sản xuất lắp ráp trong nước lại gặp bất lợi trước xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển phải dựa trên quy mô và sản lượng lớn. Quy mô và sản lượng càng lớn sẽ càng hiệu quả và ngược lại. Với quy mô thị trường nhỏ bé và sản lượng riêng của từng mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước thấp, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khó phát triển.

Muốn ngành công nghiệp ô tô đạt sản lượng lớn, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, phải giảm các loại thuế phí, giúp giảm giá xe. Chỉ có các giải pháp về thuế, phí hợp lý, mới tạo ra sức cạnh tranh cho xe trong nước về lâu dài.