Mặc dù được cảnh báo rất nhiều, nhưng không ít người vẫn sử dụng biện pháp truyền dịch tại nhà mỗi khi đau ốm, cơ thể mệt mỏi hoặc bị sốt xuất huyết.
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm – Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Người bệnh sốt xuất huyết không được tự ý truyền dịch, cần phải có chỉ định bởi nó rất nguy hiểm. Việc truyền dịch sẽ khiến cơ thể giữ nước dù bệnh nhân có đi tiểu ra ngoài một phần nhưng nó vẫn giữ nước ở các kẽ. Bệnh nhân sẽ bị phù, dư ở ngoài nhưng thiếu ở trong. Vì vậy bệnh nhân sẽ vừa bị sốc vừa bị suy hô hấp.
Khi xảy ra sốc phản vệ, ở nhà không có điều kiện, thiết bị và kiến thức cấp cứu, bệnh nhân sẽ dễ bị suy đa tạng. Ngoài ra, khi bị sốc, quá trình vào viện cấp cứu, bác sĩ rất khó tính tổng lượng dịch truyền, đã truyền và sẽ truyền dẫn đến tình trạng bù nước cho bệnh nhân gặp những khó khăn nhất định.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân H.V.H., (trú tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vừa được Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận và điều trị thành công do bị sốt xuất huyết Dengue nhóm sốc, không có xuất huyết.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mê man, tụt huyết áp, sốc. “Để cứu trường hợp này, buộc phải đưa dịch vào thật nhanh, đủ khối lượng nước để tim co bóp, để tế bào máu có đủ lượng huyết tương trong lồng mạch bởi kết quả xét nghiệm, bác sĩ nhận thấy nước trong lồng mạch giảm, lưu lượng tuần hoàn giảm, tim vẫn co bóp nhưng máu không đủ huyết tương để bơm máu đi cơ thể dẫn đến thiếu máu ở các tổ chức, đặc biệt là thiếu máu não nên bệnh nhân lơ mơ, không biết gì” – bác sĩ cho hay.
Cũng theo bác sĩ Lâm, theo đặc tính của bệnh sốt xuất huyết, từ ngày 1 đến ngày thứ 3 là giai đoạn sốt; từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm. Khi có các dấu hiệu cảnh báo sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà.
“Truyền dịch sớm cho bệnh nhân sốt xuất huyết trong những ngày đầu là không cần thiết nếu bệnh nhân còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Không phải hễ chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch, truyền dịch phải theo chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn bệnh nhân ăn uống quá kém, nôn nhiều gây mất dịch và điện giải, tụt huyết áp, có biểu hiện cô đặc máu… Lượng dịch truyền không phải như nhau cho tất cả người bệnh, bệnh nhân thiếu bao nhiêu thì cần bù lại bấy nhiêu, ngoài ra các bác sĩ còn phải kiểm soát các bệnh lý nền khác của người bệnh như bệnh lý tim mạch, huyết áp, hô hấp… khi truyền dịch”, bác sĩ Lâm cho biết thêm.
Khi mắc sốt xuất huyết ở thể nhẹ, người bệnh có thể bù dịch tại nhà bằng đường uống với các loại, như: Pha 1 gói Oresol với 1 lít nước để uống, tuyệt đối không pha Oresol với sữa, nước khoáng, nước trái cây, với đường. Không nên chia nhỏ gói Oresol để pha nhiều lần cũng như pha quá đậm đặc sẽ làm giảm hiệu quả của Oresol đồng thời làm tăng ngộ độc Oresol. Bổ sung các loại nước hoa quả, như nước cam, nước chanh, nước dừa. Các loại nước này chứa vitamin C và chất khoáng, điện giải bổ sung cho người bệnh sốt xuất huyết.
Theo nhận định của ngành Y tế Đắk Lắk, dịch sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến khó lường, gây nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong. Hiện, thời tiết đang nắng mưa đan xen là môi trường thuận lợi để muỗi phát triển. Dự báo ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng. Vì vậy người dân không nên chủ quan và cần chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tiến hành diệt lăng quăng, bọ gậy, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước xung quanh nhà, ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần dài, áo dài tay.
Nguồn: vtv.vn