Nhật Bản: Thử nghiệm hệ thống xả nước thải nhiễm phóng xạ đã xử lý ra biển

00:00 - 13/06/2023

Ngày 12/6, công ty điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu vận hành thử nghiệm hệ thống xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển

Hệ thống xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của công ty TEPCO bao gồm các cơ sở tích trữ, điểm giám sát môi trường và đường dẫn từ khu chứa nước thải nhiễm xạ ra biển dài khoảng 1km, cách mặt biển 12m và hướng về phía Đông Thái Bình Dương. TEPCO đã bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống này từ năm 2022 và đến nay đã cơ bản hoàn thành. 

Trong kế hoạch vận hành thử nghiệm lần này, TEPCO sử dụng nước sạch để kiểm tra hoạt động của các hệ thống bơm và các tính năng xử lý trong trường hợp bất thường xảy ra. Dự kiến, thời gian hoàn thành thử nghiệm vào nửa cuối tháng 6 này, trong đó bao gồm cả hoạt động kiểm tra của Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử nhật Bản.

Nhật Bản: Thử nghiệm hệ thống xả nước thải nhiễm phóng xạ đã xử lý ra biển
Bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Chính phủ Nhật Bản chủ trương bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo đánh giá tổng hợp về kiểm chứng tính năng an toàn trong kế hoạch xả thải của TEPCO.

Bên cạnh đó, để có thể thực hiện thuận lợi kế hoạch xả thải, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ phải tiếp tục vận động để có được sử ủng hộ của những người có liên quan như người dân địa phương, đặc biệt là những ngư dân trong khu vực được cho là chịu tác động từ kế hoạch này.

Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ 2 nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy, trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ.

TEPCO đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác ngoài chất triti không thể phân tách. Nước sau khi xử lý được tích trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và dự kiến sẽ chạm giới hạn vào mùa Thu năm nay.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, truyền thông địa phương Hàn Quốc cho biết nhu cầu muối biển tại nước này đã tăng vọt trước kế hoạch của Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương.

Theo tờ Hankyoreh, giá muối bị ảnh hưởng từ việc tích trữ muối của cả người tiêu dùng và các đơn vị bán lẻ. Các nhà cung cấp muối biển lớn đã ngừng bán muối từ đầu tháng 6 này do hoạt động giao muối bị trì hoãn vì quá nhiều đơn đặt hàng. 

Trong khi đó, Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc cho biết giá muối biển loại 20 kg đã tăng 27% trong tuần đầu tiên của tháng 6 so với tuần đầu tiên của tháng 4. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng giá muối tăng là do thời tiết xấu và sản lượng thấp. 

Theo kết quả khảo sát của Research View đối với 1.000 người trưởng thành được thực hiện hồi tháng trước, 85,4% người Hàn Quốc phản đối việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển. Nếu nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản được xả ra đại dương, 72% số người được hỏi cho biết họ sẽ giảm tiêu thụ hải sản.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha