Đã từ lâu, việc xin ấn đầu năm được coi là một nét văn hoá tâm linh của người dân để cầu mong cho một năm quốc thái dân an, gia đình thịnh vượng. Tuy nhiên, theo phản ánh, những ngày qua đã xảy ra tình trạng mua bán ấn tại đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, H.Mỹ Lộc). Theo đó, du khách phải trả số tiền lên đến vài trăm ngàn đồng mới có thể sở hữu được lá ấn này.
Ngày 20.2, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, cho biết: "Liên quan đến thông tin nghi vấn việc thương mại hóa những lá ấn tại đền Bảo Lộc, chiều qua 19.2, trong cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, tôi và một số lãnh đạo đã có ý kiến về việc này. Ban Thường vụ đã chỉ đạo và giao việc này cho UBND tỉnh Nam Định phải làm rõ và xử lý thật nghiêm nếu có tình trạng như báo chí thông tin".
Cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Huy Hiệp, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phúc (H.Mỹ Lộc), cho biết đền Bảo Lộc nhiều năm nay không có đơn vị nào quản lý. H.Mỹ Lộc đã nhiều lần thành lập Ban Quản lý đền Bảo Lộc nhưng bất thành. Hiện đền chỉ có 3 người làm công việc thủ nhang, thực hiện nhang khói hàng ngày tại đó.
Thông tin về vấn đề có hay không việc mua bán ấn tại đây, ông Hiệp cho biết, đầu năm nay (khoảng những ngày gần khai hội đền Trần Nam Định, diễn ra từ ngày 11 đến 16 tháng giêng âm lịch-PV), thay vì phát ấn cho những du khách có nhu cầu xin ấn thì 3 vị thủ nhang đã bán ấn cho khách.
"Việc của các thủ nhang là phát ấn cho du khách, khách gửi giọt dầu bao nhiêu là tùy tâm, thủ nhang không được phép đưa ra mức giá khoảng 50.000 đồng như họ đang làm hiện nay", ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, việc mua bán ấn tại đền Bảo Lộc năm nay mới diễn ra, chính quyền xã đã biết và chấn chỉnh bằng cách lập biên bản, yêu cầu họ viết cam kết và không được tái phạm. UBND xã cũng đã báo cáo việc này với UBND H.Mỹ Lộc.
Trước đó, trong những ngày gần đây, báo chí thông tin về việc tại đền Bảo Lộc xảy ra tình trạng thương mại hóa những lá ấn. Cụ thể, 3 vị thủ nhang phụ trách việc nhang khói tại đền đã yêu cầu du khách khi xin ấn phải đưa tiền với mức giá 50.000 - 250.000 đồng. Theo một số người dân sinh sống xung quanh đền, vào thời điểm cận ngày khai hội Đền Trần, những lá ấn có thể bị nâng giá lên đến 500.000 đồng/lá. Việc rao bán ấn được công khai từ cửa đền đến cung cấm.
Tại đền, hàng trăm người xếp hàng, chen chân để chờ được tự tay đóng ấn trong một gian phòng có tên là "Cung cấm…"
Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc khi có phản hồi từ UBND H.Mỹ Lộc và Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định.