Về kinh phí chi thu nhập tăng thêm, 6 tháng cuối năm 2023, TP.HCM chi hơn 3.922 tỉ đồng, còn 6 tháng đầu năm 2024 là 6.537 tỉ đồng.
UBND TP.HCM đánh giá chính sách chi thu nhập tăng thêm đã góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, đồng thời khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước. Điều này thể hiện qua chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) năm 2023 xếp hạng 33/63 địa phương, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn năm 2023 đạt 99,83%, hơn 95% người dân hài lòng với dịch vụ công.
Dù vậy, thực tế triển khai chính sách chi thu nhập tăng thêm vẫn còn tình trạng so bì, tâm tư của đội ngũ cán bộ làm việc trong các hội có tính chất đặc thù, do nhận mức chi cố định 3 triệu đồng/tháng chứ không tính theo theo ngạch, bậc, chức vụ như cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự tổ chức việc đánh giá, phân loại hằng quý theo yêu cầu, việc góp ý và tiếp thu góp ý của đồng nghiệp đôi khi chưa được chú trọng, chưa thể hiện tính khách quan, đa chiều. Đáng chú ý, thực tế vẫn còn tình trạng nể nang, cào bằng khi rà soát, chấm điểm, thậm chí vẫn còn tư tưởng đánh đồng việc chi thu nhập tăng thêm là để bù đắp tiền lương bình quân.
Riêng viên chức, người lao động làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ về chi thường xuyên, UBND TP.HCM cho biết do kinh phí chi thu nhập tăng thêm lấy từ nguồn thu của đơn vị, nên những đơn vị không cân đối được nguồn kinh phí sẽ khó đủ khả năng thực hiện chính sách. Mặt khác, số lượng người lao động theo chế độ hợp đồng chiếm tỷ lệ không nhỏ (nhất là tại Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH và khối quận, huyện) dẫn đến một số đơn vị gặp khó khăn trong cân đối về nguồn kinh phí chi thu nhập tăng thêm giữa viên chức và lao động hợp đồng.
Nêu giải pháp sắp tới, UBND TP.HCM lưu ý cần rà soát kỹ lưỡng tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải phản ánh trung thực kết quả lao động sáng tạo và nỗ lực học hỏi, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ này cũng phải đảm bảo sự phân hóa hợp lý giữa các mức độ hoàn thành nhiệm vụ khác nhau, không vì thành tích cá nhân mà làm sai lệch kết quả đánh giá, phân loại...