Theo một thống kê, hơn 65% cơ quan báo chí chưa có kế hoạch sử dụng AI hoặc đã có kế hoạch nhưng chưa triển khai.
Sự thay đổi trong tiếp nhận thông tin của công chúng những năm gần đây đặt ra yêu cầu đổi mới trong cách làm báo. Nhiều sản phẩm báo chí từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã ra đời nhưng việc sử dụng nó cũng có nhiều thách thức. Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh khi sử dụng AI là chủ đề được nhiều nhà báo bàn luận tại Diễn đàn báo chí toàn quốc.
Chỉ mất 30 giây đến 1 phút, bạn đọc đã có thể truy vấn tất cả thông tin liên quan đến kinh tế Việt Nam. Khác với chat GPT, các thông tin đã được lọc và kiểm chứng bởi tạp chí VNEconomy - đơn vị sản xuất sản phẩm. Kênh phân phối thông tin mới này là kết quả từ ứng dụng AI.
Ông Đào Quang Bình - Tổng Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam - cho biết: "Chúng tôi thấy rằng, kho dữ liệu của bên Kolomeme là cực kỳ lớn và thông tin kinh tế thì cực kỳ cần thiết cho người làm kinh doanh. Và với trí tuệ nhân tạo thế hệ mới, những độc giả của chúng tôi sẽ truy cập được thông tin, truy vấn được thông tin một cách nhanh nhất".
Theo một thống kê không chính thức, hơn 65% cơ quan báo chí chưa có kế hoạch sử dụng AI hoặc đã có kế hoạch nhưng chưa triển khai. Ngoài khó khăn về nhân sự, công nghệ, vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ khi sử dụng AI cũng là trở ngại.
Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho rằng: "Hiện nay, trên thế giới cũng đang có những trào lưu kêu gọi mọi người hãy chia sẻ các cái dữ liệu, các thông tin, các tác phẩm của mình để cho cả xã hội khai thác, sử dụng. Nếu như trong trường hợp mà ta được phép thì đấy là không vi phạm. Nhưng nếu những trường hợp mà tác phẩm đang được bảo vệ và họ không cho phép chúng ta khai thác mà chúng ta lại dùng AI, chúng ta ra những lệnh để AI có thể truy cập vào lấy những tác phẩm của họ để tạo thành một tác phẩm mới thì vô hình chung có thể vi phạm về quyền sao chép hay quyền tạo những tác phẩm phái sinh".
Thực tế, AI chỉ là công cụ hỗ trợ, sản phẩm AI tạo ra là tổng hòa của chủ thể sử dụng và máy móc. Để phát huy tốt vai trò của AI, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện tại, bản thân tòa soạn, người làm báo phải thay đổi cách làm. Bởi AI không thể trả lời câu hỏi tại sao, như thế nào trước tin tức, sự kiện thay cho con người.
Nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban sản xuất các Chương trình giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam - nhận định: "Chúng tôi thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh, sẽ góp phần làm tăng năng suất lao động, góp phần làm giảm chi phí sản xuất. Nhưng quan trọng hơn nữa là tạo ra những cái nguồn dữ liệu rất lớn cũng như những ý tưởng gợi ý cho những người làm truyền hình để có thể làm tốt hơn công việc phục vụ khán giả xem truyền hình của mình".
Ứng dụng AI là cần thiết và tất yếu trong xu thế chung hiện nay. Tuy nhiên, trước khi ứng dụng, các chuyên gia khuyến cáo cần xây dựng quy định, quy chế để bảo vệ bản quyền của mình. Dù sản xuất tin bài có nhanh, số lượng nhiều hơn, sản phẩm báo chí AI hay không dùng AI vẫn phải cần đảm bảo tính đạo đức, nhân văn và trách nhiệm với công chúng.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...