Theo bà Mai, mẫu NTM 787 với 3 phiên bản được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của thành phố đã nhận về gần 36.000 lượt người bình chọn đồng ý với mẫu này, trong đó mẫu phiên bản gốc chiếm gần 16.000 người bình chọn, chiếm cao nhất trong 3 phiên bản.
"Không chỉ chiếm tỷ lệ bình chọn cao nhất mà các thành viên trong ban giám khảo chấm thi cũng đồng ý với mẫu NTM 787", bà Mai nói và cho hay mẫu NTM 787 đã thể hiện đầy đủ "lịch sử- kinh tế - văn hóa - địa lý" về thành phố cảng Hải Phòng, thành phố "Hoa phượng đỏ". Dự kiến, trong tháng 8 tới, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý về bản quyền tác giả, tác phẩm, TP.Hải Phòng sẽ tổ chức trao giải thưởng 500.000.000 đồng cho tác giả Nguyễn Văn Ngát.
Theo Sở VH-TT Hải Phòng, sau 32 năm với tổng cộng 6 lần phát động cuộc thi sáng tác tìm logo biểu tượng cho thành phố, cuối cùng Hải Phòng cũng đã chọn ra biểu tượng cho riêng mình. Lần đầu tiên Hải Phòng phát động cuộc thi sáng tác biểu tượng vào năm 1992, khi đó chỉ có hơn 200 tác phẩm của các văn nghệ sĩ, các chuyên gia, nhân dân trong cả nước gửi về nhưng kết quả không thành công. Tiếp đến lần thứ 2, thứ 3, thứ 4, rồi lần gần đây nhất là lần thứ 5, ban giám khảo cũng như ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn ra 1 tác phẩm để làm logo biểu tượng nhưng đến phút cuối Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất loại, do tác phẩm có nhiều ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận.
Đến cuộc thi lần thứ 6, năm 2022, ban tổ chức phát động cuộc thi sáng tác biểu tượng tại 3 địa phương là: Hải Phòng (vào tháng 3.2022), Hà Nội (vào tháng 4.2022) và TP.HCM (vào tháng 6.2022) với giải nhất trị giá 500.000.000 đồng. Kết quả, đến hết ngày 31.10.2022, ban tổ chức nhận được 992 tác phẩm của 885 tác giả, trong đó có 1 tác giả đến từ Hàn Quốc.
Đến tháng 12.2022, ban giám khảo chọn 125 tác phẩm vào vòng trong, trưng bày ở Trung tâm Mỹ thuật thành phố để lấy ý kiến của người dân. Tháng 1.2023, ban giám khảo chọn 10 tác phẩm vào vòng chung kết.
Đến tháng 6.2023, 5 tác phẩm được chọn vào vòng sau để tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, trong đó có tác phẩm mang mã số NTM 787 của tác giả Nguyễn Văn Ngát.