Vào cuối năm nay, Slovakia sẽ phải đối mặt với những thách thức về an ninh năng lượng khi Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga hết hạn và Ukraine kiên quyết chấm dứt thỏa thuận này bất chấp sự thuyết phục của Thủ tướng Slovakia Fico.
Tại cuộc họp báo chung giữa Thủ tướng Ukraine Shmyhal và Thủ tướng Slovakia Fico vừa qua, ông Shmyhal khẳng định, Kiev sẽ không gia hạn Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga sau khi thỏa thuận này hết hạn. Quyết định này phù hợp với mục tiêu chiến lược của Ukraine là áp đặt lệnh trừng phạt đối với khí đốt của Nga và tước đi nguồn thu từ hydrocarbon của nước này được sử dụng để tài trợ cho cuộc xung đột đang diễn ra.
Tuy nhiên, Slovakia là một trong những quốc gia phụ thuộc vào hành lang trung chuyển khí đốt của Ukraine. Do vậy, việc chấm dứt đột ngột thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của Slovakia và làm tăng gánh nặng chi phí cho nền kinh tế và người dân của nước này.
Trước quyết định trên của Ukraine, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Dầu khí Slovakia (SPNZ) Kvasnovsky cho biết, thỏa thuận vận chuyển khí đốt khó có thể được gia hạn và Slovakia đã chuẩn bị để đối phó với thách thức này. Ngành công nghiệp khí đốt của Slovakia đã sẵn sàng cho mọi tình huống để có thể tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho khách hàng của mình.
Ông Kvasnovsky cho biết thêm, mặc dù Ukraine không gia hạn thỏa thuận khí đốt của Nga, tuy nhiên việc Ukraine quan tâm đến việc sử dụng hệ thống vận chuyển khí đốt và dầu mỏ của nước này sau khi thỏa thuận hết hạn có ý nghĩa quan trọng vì điều đó mở ra triển vọng cho các nhà kinh doanh khí đốt châu Âu có thể sử dụng các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm tại Ukraine với sức chứa khoảng 30 tỷ m3.
Hiện Slovakia và Ukraine cũng đã nhất trí thành lập một trung tâm năng lượng Đông Âu nhằm mục đích sử dụng các cơ sở lưu trữ khí đốt quy mô lớn của Ukraine. Việc thành lập trung tâm này không chỉ góp phần củng cố an ninh năng lượng của Ukraine và Slovakia, mà còn củng cố an ninh của toàn bộ khu vực Đông Âu.
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga được ký vào năm 2019 và sẽ hết hạn vào tháng 12 năm nay. Nga đã cắt giảm phần lớn lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống tới châu Âu vào năm 2022, tuy nhiên các quốc gia như Áo, Hungary và Slovakia vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu năng lượng của Nga.
Nguồn: vov.vn