Bộ GT-VT đã xây dựng kế hoạch làm lễ khánh thành 2 đoạn cao tốc trên dự kiến lúc 14 giờ ngày 28.4 với hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính tại Ninh Thuận với điểm cầu tại Nghệ An.
Tại điểm cầu chính Ninh Thuận (dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo), buổi lễ được tổ chức tại khu vực phía bắc hầm Núi Vung (thuộc thôn Trà Nô, xã Phước Hà, H.Thuận Nam, Ninh Thuận). Dự kiến có khoảng 300 đại biểu thuộc các bộ ngành T.Ư, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và đặc biệt dự kiến có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự tại điểm cầu này.
Tại điểm cầu Nghệ An (khánh thành đoạn từ Diễn Châu đến QL46B, thuộc dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt) sẽ được tổ chức tại phía bắc hầm Thần Vũ (Km 440+500, thuộc xã Diễn Phú, H.Diễn Châu, Nghệ An). Và dự kiến sẽ có 300 đại biểu, gồm các bộ ngành T.Ư, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tham dự lễ khánh thành. Dự kiến Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ có mặt ở lễ khánh thành tại điểm cầu này.
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; đấu nối vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đây là dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), được khởi công vào ngày 30.9.2021 với nguồn kinh phí khoảng 9.000 tỉ đồng.
Theo Chánh văn phòng Bộ GT-VT Uông Việt Dũng, ngay sau lễ khánh thành (dự kiến diễn ra từ 14 giờ đến 17 giờ ngày 28.4) sẽ dọn dẹp sân khấu và đưa tuyến cao tốc này vào khai thác ngay để phục vụ người dân lưu thông dịp lễ 30.4 và Quốc tế lao động 1.5.
Lộ trình đi từ TP.HCM đến TP.Nha Trang, Khánh Hòa (không đi theo tuyến QL1 như trước đây - PV) như sau: Bắt đầu từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rẽ vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây rồi đi thẳng vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tiếp nối vào cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đi hết cao tốc này rồi vào cao tốc Nha Trang - Cam Lâm để đến tỉnh Khánh Hòa. Thời gian di chuyển chỉ mất hơn 5 giờ, thay vì sẽ mất 7 - 8 giờ đi theo tuyến QL1 như trước đây.