Tỉnh lộ 334 được coi là "xương sống" kết nối các phân khu chức năng của Khu kinh tế Vân Đồn, đi qua địa bàn các xã Đoàn Kết, Hạ Long, Vạn Yên.
Trước vai trò quan trọng như vậy, tháng 5.2021, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 334, với tổng vốn gần 1.500 tỉ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là hơn 650 tỉ đồng. Dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 9,5 km, điểm đầu đấu nối với tuyến đường trục chính Khu đô thị Cái Rồng và điểm cuối nối với nút giao đường sân bay Vân Đồn - Khu công viên phức hợp.
Điều đáng nói, trái với kỳ vọng về tuyến đường ven biển trong mơ, đem lại hạnh phúc cho người dân, thuận lợi cho nhà đầu tư khi đến đây, thì suốt hơn 3 năm qua, du khách, người dân địa phương, nhà đầu tư phải khổ sở khi đi trên tuyến đường toàn "ổ gà", "ổ voi".
Đau khổ nhất là vào những ngày nắng thì bụi đất mù mịt gây mất vệ sinh môi trường, ngày mưa thì lầy lội, mặt đường chi chít ao tù.
Ông Nguyễn Trung Hòa (48 tuổi, trú tại H.Vân Đồn) cho biết: "Mỗi lần đi trên tỉnh lộ 334 đoạn qua xã Hạ Long là tôi thấy khiếp sợ. Đường gập ghềnh khó đi, nếu không vững tay lái có thể trượt ngã bất cứ lúc nào. Những tưởng dự án được khởi công cách đây 3 năm người dân sớm có được tuyến đường mới thì đến nay tiến độ vẫn ì ạch".
Tỉnh lộ 334 được coi là "trục xương sống" của Khu kinh tế Vân Đồn, vì vậy, việc tuyến đường này bị xuống cấp trầm trọng như hiện nay gây ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư. Nhiều doanh nghiệp có dự án quanh tuyến đều ngao ngán khi nhắc về "con đường đau khổ" này.
Một nhà đầu tư đến từ Hà Nội than thở: "Quần thể khu nghỉ dưỡng hàng nghìn tỉ đồng khởi công trước mấy năm mà giờ nhà đầu tư đã hoàn thành; trong khi đó tuyến đường 334 thì ngày càng xuống cấp nếu kéo dài như vậy sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng, quảng bá, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Đồn".
Đường nghìn tỉ chậm tiến độ vì đội vốn GPMB
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, dự án mở rộng tỉnh lộ 334 đang bị chậm tiến độ. Theo kế hoạch ban đầu, đoạn tuyến dài 9,5 km nói trên sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 6.2023; nhưng đến nay, dự án mới hoàn thành 60% khối lượng.
Đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ là do dự án bị đội vốn, xuất phát từ công tác GPMB.
Cụ thể, để triển khai dự án, H.Vân Đồn phải thu hồi hơn 40 ha, gồm: đất đường giao thông, đất của hơn 400 hộ dân và tổ chức nằm trong giới tuyến. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 năm triển khai, các nhà thầu mới chỉ tổ chức thi công trên khoảng diện tích 40% mặt bằng được địa phương bàn giao. Đặc biệt là 2,9 km đầu tuyến và 2,5 km cuối tuần vẫn còn y nguyên.
Ghi nhận của PV Thanh Niên trong các ngày 22 - 23.4 cho thấy, dọc dự án chỉ vài chục công nhân đang hoàn thiện một số hạng mục nhỏ, còn lại các phương tiện phục vụ thi công thì nằm "đắp chiếu".
Ông Nguyễn Văn Trung, Chỉ huy trưởng công trường - Công ty cổ phần 484, cho biết việc dự án chậm bàn giao mặt bằng gây ảnh hưởng rất lớn tới các nhà thầu liên quan đến chi phí quản lý, nhân công, trượt giá vật tư...
"Liên danh các nhà thầu đã bố trí đủ phương tiện, máy móc, thiết bị tại công trường nhưng không thể tổ chức triển khai thi công. Dự án bị chậm tiến độ hơn 1 năm khiến đội giá các hạng mục lên tới hơn 35%. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm tháo gỡ khó khăn để tuyến đường được bàn giao đúng thời hạn", ông Trung cho hay.
Theo UBND H.Vân Đồn, liên quan đến việc GPMB dự án trên, mới đây, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa đề nghị kỷ luật 17 cán bộ tại địa phương có liên quan do buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến dự án bị đội vốn.
Hiện nay, các cá nhân có vi phạm liên quan đến công tác bồi thường GPMB dự án đã khắc phục cơ bản hậu quả; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo H.Vân Đồn cho biết, sau khi dự án bị đội vốn lên hơn 1.500 tỉ đồng thì thẩm quyền thuộc về các bộ, ngành của T.Ư; địa phương đang phối hợp với các cơ quan chức năng cấp vốn để dự án được tiếp tục triển khai.