Nếu học sinh mua được đồ trong căn tin nhà trường - thực phẩm, đồ ăn được quản lý, kiểm soát, kiểm tra thường xuyên thì không lo. Còn lại, trường học không có căn tin, học trò mua bánh kẹo, quà vặt ngoài cổng trường, quán cóc, xe hàng rong bán thì rất nguy hiểm. Chưa kể khi để học sinh mang tiền bên người sẽ khiến nảy sinh một số điều không hay trong môi trường học đường.
Tuy nhiên, không cho học sinh mang tiền đi học có phải là biện pháp triệt để giúp phòng ngừa nguy cơ từ thực phẩm bẩn, mất an toàn trong hàng rong, xe quà vặt cổng trường hay chưa? Học trò không có tiền, không thể mua hàng. Nhưng nếu các em được bạn bè cho "mượn" tiền để ra cổng trường mua, hay được bạn bè mời ăn những bánh kẹo lạ, những thực phẩm mất an toàn ở cổng trường, các em vẫn ăn, thì rõ ràng là mối nguy hiểm không hề mất đi.
Tôi ghé tới một lớp 4 tại Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM một ngày đầu tháng 12.2023 đúng vào giờ cô giáo chủ nhiệm đang nhắc nhở học sinh về cách nhận biết, phân biệt thực phẩm an toàn. Không chỉ nhắc nhở chung chung là không ăn bánh kẹo lạ, không mua quà vặt hàng rong cổng trường, cô giáo đã cho học sinh xem hình ảnh sinh động, đặt ra các tình huống để học sinh tìm cách xử lý. Nhiều học trò lớp 4 cho hay mỗi ngày em được cha mẹ cho 5.000, 10.000 đồng để mua bánh, nước uống. Tuy nhiên, nhiều em cho biết được ba mẹ dạy về những thực phẩm được phép mua và những thực phẩm luôn luôn phải nói "không".
Sau phần nhắc nhở thêm của cô giáo chủ nhiệm về các thực phẩm mất an toàn cần tránh mua, tránh sử dụng, học sinh cho biết sẽ góp phần lan tỏa thông tin tới những người bạn của mình. Để tất cả biết nhận diện thực phẩm an toàn, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của mình và cả bạn.
Học sinh hiện nay được học kỹ năng sống dưới rất nhiều hình thức, ở các buổi sinh hoạt dưới cờ mỗi đầu tuần, ở tiết sinh hoạt tập thể mỗi cuối tuần. Nội dung kỹ năng sống cũng được lồng ghép trong nhiều môn học, từ tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên và xã hội, hoạt động trải nghiệm… Ở đó, bên cạnh các bài học về kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực học đường, phương án xử lý an toàn khi đám cháy xảy ra..., các em học sinh được cảnh báo về các thực phẩm bẩn ngoài hàng rong cổng trường.
Trong khi chờ các xe hàng rong, quà vặt cổng trường được các cơ quan chức dẹp sạch - một cách quyết liệt - để để trả lại môi trường học đường không còn phập phồng những nỗi lo, cha mẹ học sinh cũng không đứng ngoài cuộc.
Thay vì cấm các con mang tiền đi học, tùy theo độ tuổi của con, cha mẹ có thể dạy các con trở thành người biết quản lý tài chính, biết tiêu dùng thông minh, biết xử lý các tình huống, ứng phó với những mối nguy hiểm luôn thường trực ngoài cuộc sống. Đó cũng là một cách để các con được lớn lên.