Đại biểu Nguyễn Thị Nga băn khoăn trước tình trạng nhiều trang mạng đăng phát thông tin thật giả lẫn lộn, đồng thời đặt vấn đề hiện công tác giám sát thông tin trên mạng xã hội được thực hiện thế nào, làm sao để người dân biết đâu là thông tin chính thống.
Bên cạnh đó, đại biểu Nga cho biết dữ liệu cá nhân là nguồn tài nguyên nhưng hiện nay có tình trạng mua bán thông tin cá nhân trên mạng, vậy việc quản lý thông tin cá nhân ra sao, TP.HCM đã xử lý bao nhiêu trường hợp?
Về tin giả trên mạng xã hội, Giám đốc Sở TT-TT cho biết nội dung thông tin trên mạng được cung cấp bởi 2 nguồn: các trang mạng trong nước có nguồn gốc rõ ràng được cấp giấy phép. Thứ 2 là thông tin cung cấp không rõ nguồn gốc, các mạng xã hội xuyên biên giới được nhiều người dùng như Facebook, YouTube, TikTok. Hiện phần lớn tin giả lan truyền trên các mạng xã hội này.
Lý giải nguyên nhân, ông Thắng cho biết các mạng xã hội chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam, sử dụng tên miền quốc tế, máy chủ đặt ở nước ngoài, không đặt tại Việt Nam. Khi cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ thì các doanh nghiệp né tránh cho rằng vì quy định nội bộ, dẫn đến tin giả và tin sai lệch lan truyền.
Về nguyên do chủ quan, ông Thắng cho rằng việc phối hợp xác định thông tin giả hiện không chặt chẽ và mất thời gian lâu. Thời gian qua, Sở TT-TT phối hợp Bộ TT-TT xử lý nghiêm các vi phạm. Ông Thắng cho rằng cần có quy định trách nhiệm các bộ, ngành xác định tin giả, xấu độc, nhất là phải có người chủ trì kết luận tin giả và người phát ngôn.
Ông Thắng cho biết Sở TT-TT TP.HCM cũng phối hợp Sở TT-TT các tỉnh, thành phố khác xử lý vi phạm liên quan đến TP.HCM dù chủ thể không sinh sống trên địa bàn TP.HCM. Mới đây, Sở TT-TT TP.HCM phối hợp Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang xử phạt chủ tài khoản "Nhật Hải biết tuốt" vì đăng tải thông tin sai lệch về TP.HCM.
Sở TT-TT đang tham mưu thành lập bộ phận xử lý tin giả TP.HCM, đặt tại Trung tâm Báo chí TP.HCM và quy chế phối hợp các sở ngành, địa phương. Quy chế gồm 3 bộ phận: tiếp nhận, xác định và công bố tin giả, tin sai lệch, trong đó xác định thời gian xử lý, trách nhiệm rõ ràng.
Địa phương chưa chủ động hoàn toàn việc xử lý
Liên quan đến công tác quản lý quảng cáo trên mạng xã hội, ông Thắng nhìn nhận có tình trạng doanh nghiệp bất chấp đăng quảng cáo sai lệch vì doanh thu, lợi nhuận. Thời gian qua, lực lượng chức năng TP.HCM có nhiều giải pháp đấu tranh, tình trạng có giảm bớt nhưng vẫn còn phức tạp và chưa phát hiện hết.
Nguyên nhân chính do thẩm quyền làm việc với các nền tảng xuyên biên giới là Bộ TT-TT, các địa phương chưa chủ động hoàn toàn.
Bên cạnh đó, luật Quảng cáo chưa quy định chi tiết về cấp phép quảng cáo trên mạng xã hội. Bộ TT-TT đang dự thảo sửa luật Quảng cáo để thể chế hóa, xử lý nghiêm minh các vi phạm.
Riêng trên địa bàn TP.HCM, ông Thắng nhìn nhận việc phối hợp giữa các sở ngành, địa phương chưa nhịp nhàng. UBND TP.HCM đã ban hành quy chế phối hợp quản lý quảng cáo trên mạng, Sở Y tế và Q.3 thời gian qua phối hợp rất tốt.
Giám đốc Sở TT-TT đánh giá hầu như các sở ngành, địa phương đều thiếu hụt nhân sự quản lý quảng cáo trên mạng, nhân sự vừa không có chuyên môn sâu lại vừa kiêm nhiệm.
Ông Thắng cho biết hiện có 720 KOL đang hoạt động trên địa bàn, Sở TT-TT đã có kế hoạch phát huy các KOL này trong các hoạt động chung của TP.HCM như tuyên truyền Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội và lễ hội sông nước.
Giảm yêu cầu khai báo thông tin
Đại biểu Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế cho rằng khi chuyển đổi số phải tạo thuận lợi cho người dân làm thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Ông Đức đặt câu hỏi TP.HCM có giải pháp gì để người dân dễ thực hiện, nhất là người yếu thế như người lớn tuổi, người khuyết tật?
Trả lời, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT cho biết hiện Cổng dịch vụ công TP.HCM thống nhất trên cơ sở hợp nhất khoảng 40 cổng dịch vụ công riêng lẻ trước đây. Trong thiết kế, hệ thống cố gắng đơn giản nhất về quy trình, giao diện và đồng bộ, thống nhất với các cổng dịch vụ công khác, nhất là cổng dịch vụ công quốc gia.
TP.HCM đang từng bước làm giàu dữ liệu chuyên ngành, hồ sơ người dân để thực hiện mục tiêu tái sử dụng dữ liệu, người dân chỉ khai báo một lần, các thông tin khai báo ngày càng ít đi, các thông tin tự động điền ngày càng nhiều hơn.
Để hỗ trợ người dân, ông Thắng nêu một số giải pháp như hệ thống dịch vụ công có trợ lý ảo, các đơn vị bố trí nhân sự hướng dẫn người dân, phát huy các tổ công nghệ số cộng đồng, nhất là người yếu thế, lớn tuổi.