Việt Nam đang vươn lên trở thành nước có nền kinh tế trung bình, hội nhập sâu rộng và vị thế không ngừng được khẳng định trên trường quốc tế. Sức mạnh đó gắn liền với khoa học công nghệ.
Chia sẻ tại lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) năm 2024, kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận lại chặng đường 65 năm phấn đấu và trưởng thành, qua từng giai đoạn lịch sử của bộ.
Phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầuĐể phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tên gọi của Bộ có nhiều lần thay đổi. Ban đầu là Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1959), rồi đến Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (năm 1965), Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1990), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (năm 1992) và từ năm 2002 cho đến nay là Bộ Khoa học và Công nghệ.
“Dù với tên gọi nào, Bộ Khoa học và công nghệ luôn được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển khoa học kỹ thuật và hiện nay là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong nhiều năm qua, pháp luật về khoa học và công nghệ luôn được quan tâm xây dựng và sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn quản lý. Trong đó có thể kể tới Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000, 2013; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; 2017; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đo lường năm 2011...
“Các đạo luật này cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành ngày càng hoàn thiện, đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ hơn cho hoạt động khoa học nghệ và quản lý. Hiện Bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát, sửa đổi toàn diện Luật Khoa học công nghệ năm 2013; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008”, Bộ trưởng khẳng định.
Có thể thấy rằng, trong gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động khoa học và công nghệ cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
18/5 – Ngày hội của lực lượng KHCN và đổi mới sáng tạo quốc giaTheo Bộ trưởng, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, ngày 18/5 hàng năm là ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam. Sau hơn 10 năm tổ chức, dịp này đã trở thành ngày hội của lực lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Nhiều bộ, ngành, địa phương chọn Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam để vinh danh, trao các giải thưởng cho các nhà khoa học, các cán bộ quản lý khoa học và đông đảo người dân yêu khoa học, nghiên cứu. Nhiều viện, trường, doanh nghiệp tổ chức triển lãm kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến của sinh viên, học sinh, người lao động; mở cửa các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu cho học sinh, sinh viên và người dân tham quan, tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Nhiều phong trào thi đua, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; phong trào nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp được tổ chức, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo nhân dân.
“Các hoạt động phong phú, thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong 10 năm qua đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo”, lãnh đạo Bộ KH&CN khẳng định.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định: “Mỗi thắng lợi của đất nước không thể tách rời sự đóng góp hiệu quả, to lớn của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học”.
Việt Nam từ một nước chậm phát triển đã vươn lên trở thành nước có nền kinh tế trung bình, hội nhập sâu rộng và vị thế không ngừng được khẳng định trên trường quốc tế. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt làm rạng danh đất nước, không chỉ rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới mà còn tạo nên thứ bậc ngày càng cao và có uy tín trên thế giới.
Theo ông Phan Xuân Dũng, với chủ trương coi khoa học và công nghệ là sức mạnh, là lực lượng sản xuất trong phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật dựa trên những giải pháp cơ bản là: phải tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ trí thức; trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến cơ bản trong đào tạo nguồn nhân lực; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của trí thức.
“Đây chính là nền tảng quan trọng, động lực mạnh mẽ để đội ngũ trí thức hết lòng cống hiến tài năng, tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành khoa học và công nghệ nói riêng và đất nước nói chung”, ông Phan Xuân Dũng cho hay.
“Phát triển bất cứ một lĩnh vực nào, đặc biệt với lĩnh vực khoa học và công nghệ cần có nhân lực tốt và đầu tư tốt. Nguồn nhân lực thời gian vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh những thuận lợi, ngành cũng đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Trong đó, cơ chế chính sách cần được tiếp tục đổi mới để phù hợp tình hình mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngũ trí thức phát huy khả năng và cống hiến cho đất nước”, ông Phan Xuân Dũng nêu rõ.
Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam kiến nghị với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước: “Tiếp tục tin tưởng trí thức hơn nữa, hãy trao cho họ dũng khí dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám hành động hơn nữa”.
Nguồn: vov.vn