Nhà báo Hồng Tuyến cho biết bản phái sinh Chú voi con ở Bản Đôn lan truyền trên mạng làm nhiều ca sĩ nhầm lẫn hát nhạc chế thay vì bản gốc trong những sự kiện quan trọng.
Có cả ca sĩ chuyên nghiệp thay vì hát bài hát gốc lại hát bản phái sinh
Khi được hỏi có phải giờ đây gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên mới phản ứng mạnh hơn về bản phái sinh của Chú voi con ở Bản Đôn, nhà báo Hồng Tuyến – con gái của nhạc sĩ khẳng định: "Nhạc sĩ và gia đình biết đến bản phái sinh khoảng 4 năm trước, khi đó nhận thức đây là vi phạm bản quyền bài hát nên gia đình đã ủy thác đơn vị giám sát bản quyền các bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên trên các nền tảng số xử lý việc này, nhờ đó các link bài hát phái sinh lan truyền trên các mạng xã hội đã bị chặn, không hoạt động. Tuy nhiên gần đây, việc này lại tái phát, có nhiều người đã nhắn tin hỏi về bản nhạc phái sinh này nên gia đình nhạc sĩ quyết định lên tiếng có tính chất cảnh tỉnh về nhận thức bản quyền của công chúng, đồng thời cũng có ý chờ 'tác giả' chế bài hiện đang khuyết danh sẽ lộ diện và liên lạc với gia đình".
Ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích (Ảnh NVCC)
Chú voi con ở Bản Đôn được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong một chuyến đi thực tế Đăk Lăk cùng với nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Hoàng Vân năm 1983. Bài hát nhanh chóng nhận được tình cảm yêu mến của thiếu nhi cả nước, đồng thời trở thành bài hát mang tính biểu tượng của Đắk Lắk.
Trích đoạn bài viết của nhà báo Phạm Hồng Tuyến (Ảnh NVCC)
Theo nhà báo Hồng Tuyến bản phái sinh ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bài hát gốc vì sự lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Chị chia sẻ: "Một bộ phận người hát và cả ca sĩ chuyên nghiệp nhầm lẫn khi thay vì hát bài hát gốc, họ lại hát bài hát chế. Ngay tại buôn Đôn là nơi bài hát ra đời, trong lễ hội, bài hát phái sinh được trình bày khiến nhiều du khách thắc mắc là có phải bài của nhạc sĩ Phạm Tuyên được cải biên không".
Hình NSND Trần Hiếu hát Chú voi con Bản Đôn cùng các em thiếu nhi trong Đêm nhạc Phạm Tuyên Nhớ và Quên tháng 1/2017 ((Ảnh NVCC)
Chị cũng cho biết, ngay tại Buôn Ma Thuột, trong chương trình biểu diễn của Đoàn Ca múa Đăk Lăk, sau khi giới thiệu nguồn gốc ra đời của bài hát gốc thì ca sĩ lại trình bày bài hát chế. Thực trạng "đánh lận con đen" còn diễn ra ở nhiều nơi khác, có lần đã suýt "lọt lưới" lên sóng truyền hình quốc gia nếu như không có sự phát hiện của các biên tập viên giàu kinh nghiệm.
Cần tôn trọng luật bản quyền để giữ hồn cốt của nguyên tác
Tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc không phải là câu chuyện mới. Theo đánh giá của nhà báo Hồng Tuyến, hiện nay việc vi phạm bản quyền đã bớt hơn so với những năm trước đây, tuy nhiên nhận thức bản quyền của đại bộ phận công chúng còn khá mơ hồ. Chị tỏ ra bức xúc: "Trong trường hợp bài Chú voi con ở Bản Đôn phái sinh này, nhiều người vẫn nói có sao đâu, hát vui thôi mà. Tuy nhiên việc đưa bài phái sinh này lên các nền tảng xã hội cần phải hỏi ý kiến, tôn trọng tác giả gốc. Thậm chí, nhiều bài khi được đăng lên các nền tảng, người đăng còn có thể thu được tiền. Vì thế cần phải tôn trọng luật bản quyền một cách nghiêm ngặt".
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến và cha - nhạc sĩ Phạm Tuyên (Ảnh NVCC)
Nhà báo Hồng Tuyến cho biết, hiện tại gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ủy thác cho một đơn vị giám sát bản quyền các bài hát thiếu nhi trên nền tảng số, mà bài Chú voi con ở Bản Đôn nằm trong số đó. Vì vậy bài hát sẽ được giám sát nghiêm ngặt và các link bài hát phái sinh trên mạng sẽ bị cho ngừng hoạt động. Chị cũng cảnh báo thêm: "Nếu những ai còn cố tình lan truyền sau khi gia đình nhạc sĩ đã có ý kiến thì chúng tôi sẽ xử lý theo pháp luật để có thể giữ được giá trị hồn cốt của nguyên tác".
Nguồn: vtv.vn