Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 đang diễn ra tại San Francisco với hàng loạt sự kiện quan trọng, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 30, nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên.
Sau 30 năm, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và APEC nói riêng ngày càng trở thành một khu vực kinh tế quan trọng của thế giới. Với nhiều thách thức mà các nền kinh tế đang phải đối mặt, Tuần lễ Cấp cao APEC năm nay có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn hiện nay.
Ưu tiên của Mỹ tại Thượng đỉnh APEC
Mỹ đã chọn chủ đề cho Tuần lễ Cấp cao APEC năm nay là “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người” với 3 ưu tiên đó là “Kết nối”, “Đổi mới” và “Bao trùm”. Với chủ đề này, Tuần lễ cấp cao APEC năm nay đang tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế như phát triển bền vững, số hóa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và sức khỏe, thúc đẩy Khung kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) nhằm mục tiêu xây dựng một khu vực “kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm”.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, Bộ trưởng nước chủ nhà Yellen cũng nhấn mạnh rằng các nền kinh tế thành viên APEC cần hợp tác cùng nhau để đạt được các mục tiêu năm nay hướng tới việc hình thành một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, có khả năng phục hồi nhanh và hòa bình.
Các chủ đề và nội dung được thảo luận trong hội nghị năm nay phần nào cũng phản ánh chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Biden với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Với việc tập trung vào IPEF và cũng như các vấn đề khí hậu, môi trường có thể thấy rằng chính sách kinh tế của Mỹ hiện này tập trung thúc đẩy các sáng kiến thương mại cả đa phương và song phương theo các hình thức cũng như nội dung mới.
Các sáng kiến kinh tế này khác so với các hiệp định tự do thương mại truyền thống, xác định lại phạm vi và mục đích của các quan hệ thương mại, nhấn mạnh mục tiêu về khí hậu và trao quyền cho người lao động. Điều này thể hiện rõ nhất với IPEF khi sáng kiến này có hai điểm nổi bật là sử dụng ngôn ngữ gần giống với các FTA trước đây mà không kết hợp các cơ chế tiếp cận thị trường chẳng hạn như cắt giảm thuế quan.
Ngoài ra, Mỹ cũng tập trung thúc đẩy chính sách công nghiệp mới nhằm bắt đầu quá trình chuyển đổi xanh, đảm bảo chuỗi cung ứng các mặt hàng và hàng hóa quan trọng, đồng thời tạo việc làm được trả lương cao ở trong nước sẽ tác động đến phần còn lại của thế giới. Các biện pháp này được thực hiện thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS cũng như Đạo luật giảm lạm phát được ban hành hồi năm ngoái. Có thể khẳng định rằng, dù thông qua APEC hay IPEF thì can dự kinh tế với khu vực vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden.
Tiến triển trong đàm phán IPEF
Vào tháng 10/2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra Sáng kiến thương mại lớn đầu tiên là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) và nói rằng Hội nghị Thượng đỉnh APEC do Mỹ đăng cai tổ chức là “thời hạn quan trọng” để đưa ra khuôn khổ cho sáng kiến này.
Liên quan đến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) mà chính quyền Tổng thống Biden đang thúc đẩy, có thể thấy rằng đây là một sáng kiến nhằm loại bỏ rủi ro từ việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu mang tính an toàn và ổn định theo quan điểm của Mỹ. IPEF, gồm 4 trụ cột thương mại, chuỗi cung ứng, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng, tập trung vào vận động các nước đối tác có tiềm năng về kinh tế và địa chính trị tham gia vào khung liên kết kinh tế mang tính tự nguyện. Trong đó, các bên cùng xây dựng chuỗi cung ứng dựa trên các lợi thế vốn có của Mỹ về quy mô thị trường, tiềm lực về vốn và công nghệ và từng bước hướng đến các tiêu chuẩn nhất định về minh bạch chính sách, thông thoáng trong các thủ tục về thương mại và đầu tư, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, biến đổi khí hậu cũng như lao động và chống tham nhũng.
Cho đến thời điểm hiện nay, các nước tham gia thảo luận IPEF về cơ bản đều nhất trí với mục tiêu và kế hoạch đàm phán của Mỹ. Các nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy tiến trình đàm phán, hướng tới một kết quả bao trùm, cân bằng, có tính đến sự đa dạng và nhu cầu của từng nước thành viên. Về kết quả đàm phán, tháng 9 vừa qua các nước tham gia thảo luận đã công bố văn bản về Thỏa thuận chuỗi cung ứng hay là trụ cột II. Trong đó các bên tham gia sẽ thành lập 3 cơ quan gồm Hội đồng chuỗi cung ứng, Mạng lưới ứng phó khủng hoảng chuỗi cung ứng và Ban cố vấn về quyền lao động. Mỹ kỳ vọng trong kỳ họp cấp bộ trưởng IPEF diễn ra tại San Francisco, các bên có thể thông qua văn bản Trụ cột II cũng như kết thúc đàm phán ở các mức độ khác nhau về nội dung trong các trụ cột còn lại.
Tuy nhiên, sau phiên họp hôm qua (13.11), các quan chức tham gia thảo luận cho biết mặc dù đạt được một số tiến triển nhưng không đạt được các kết quả mang tính đột phá. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cùng ngày cho biết vẫn còn một số vấn đề tồn tại, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại cũng như cần thêm thời gian và nỗ lực hơn nữa để đạt được các kết quả tích cực. Dự kiến đàm phán về các trụ cột của IPEF sẽ còn kéo dài khi các bên thảo luận chi tiết về những lĩnh vực cụ thể, nhất là 3 trụ cột thương mại, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng.
Thuận lợi và thách thức
Có thể nói rằng APEC hiện nay đang đứng trước cả thử thách lẫn thuận lợi để hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Về thách thức, có thể thấy rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, căng thẳng tại các điểm nóng trong khu vực có xu hướng gia tăng dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Đặc biệt, cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang đẩy tốc độ quá trình phân tách về chính trị và kinh tế gia tăng nhanh chóng. Cả Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực củng cố và vận động cho các cơ chế khu vực do mình dẫn dắt, ví dụ như Khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) của Mỹ và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) của Trung Quốc. Bên cạnh đó, bất chấp các dấu hiệu phục hội tích cực sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất trắc như nguy cơ suy thoái tại Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới, xu hướng sụt giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc cộng với thương mại và đầu tư toàn cầu vẫn ở mức thấp, các chuỗi cung ứng vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế trong APEC vẫn còn nhiều cơ hội và nếu các nền kinh tế thành viên thực sự mong muốn và có các hành động cụ thể thì mục tiêu hướng tới xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng hoàn toàn khả thi. Cho đến nay, vai trò của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, trong đó có APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu, điều phối lợi ích của các thành viên vẫn hết sức quan trọng.
APEC cũng có tiềm năng rất lớn trong việc xây dựng các quy tắc mới, tìm kiếm nhận thức chung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm sau đại dịch ở một khu vực có nhiều mô hình, cấp độ và trình độ kinh tế khác nhau để đạt được mục tiêu chung.
Có thể khẳng định rằng, APEC không phải là một đấu trường mà hoạt động dựa trên sự đồng thuận và đưa ra các sáng kiến không ràng buộc nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực. Chính quyền Tổng thống Biden đã xác nhận điều này bằng hàng loạt các sáng kiến mới trong khuôn khổ hội nghị, thúc đẩy đối thoại kinh tế tích cực vì mục tiêu chung.
Nguồn: vov.vn