Tác động từ việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo

20:14 - 07/08/2023

Lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng gạo tẻ thường của Ấn Độ mới đây – sau đó đến lượt Nga và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cấm xuất khẩu gạo cho đến đầu năm 2024, đang khiến thị trường gạo nói riêng, lương thực nói chung trở nên xáo trộn. 

Các nước nhập khẩu gạo phải tranh thủ đặt hàng, dẫn đến giá thị trường bị đẩy lên cao. Hiện giá gạo đã tăng từ 10% – 15% so với trước khi có lệnh cấm. Động thái này được dự báo có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.

Nguyên nhân chính của động thái cấm xuất khẩu gạo   Gạo không chỉ là một mặt hàng lương thực thông thường tại Ấn Độ. Đây còn là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên an sinh xã hội tại nước này; là yếu tố chi phối tới tỷ lệ lạm phát, tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân. Nó bắt nguồn từ việc đa phần trong tổng số 1,4 tỷ người dân Ấn Độ vẫn sống phụ thuộc vào nông nghiệp dù lĩnh vực này chỉ đóng góp khoảng 15% vào GDP chung của toàn Ấn Độ. Đây là những thứ cần phải xét tới khi đánh giá nguyên nhân của việc Chính phủ Ấn Độ dừng việc xuất khẩu gạo. 

Trở lại với lý do Ấn Độ đi tới quyết định này, có 4 nguyên nhân chú yếu sau.

Thứ nhất, diện tích gieo trồng trong vụ Hè Thu – vụ canh tác quan trọng nhất của Ấn Độ đã giảm xuống trong thời gian vừa qua. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, đến ngày 10/7, tổng diện tích gieo trồng của toàn Ấn Độ mới đạt được khoảng 7 triệu hecta, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích canh tác giảm trong khi thời tiết từ đầu năm tới nay có những yếu tố không thuận, khiến sản lượng lương thực giảm so với kỳ vọng và nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Nguyên nhân thứ hai là do giá gạo và giá lương thực ở thị trường Ấn Độ đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua, hệ quả của những biến động ở thị trường trong nước và thế giới. Trong suốt 1 năm vừa qua giá gạo có thời điểm đã tăng bình quân khoảng 10- 12%. Có thời điểm đã tăng khoảng 3%/tháng. Việc tăng giá lương thực và giá gạo tại thị trường Ấn Độ đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân, đặc biệt là người nghèo; dẫn đến việc Chính phủ Ấn Độ đã cân nhắc can thiệp.

Thứ 3 là mặc dù trong năm 2022, chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% với loại gạo tẻ thường, nhưng tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ vẫn đang tăng rất mạnh. Theo số liệu của Bộ Công thương Ấn Độ, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng lượng xuất khẩu của Ấn Độ đã đạt khoảng 9,6 triệu tấn, bằng lượng xuất khẩu của cả năm 2019. Đà tăng này có thể ảnh hưởng tới cân đối nhu cầu lương thực trong nước.

Cuối cùng, theo đánh giá việc ngừng xuất khẩu gạo còn có thể liên quan tới yếu tố chính trị. Năm 2024, Ấn Độ sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc. Cuộc bầu cử sẽ quyết định việc bầu ra Quốc hội và Chính phủ mới. Do vậy bất kỳ sự biến động nào về giá gạo, giá lương thực tại thị trường trong nước đều có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử trong thời gian tới. Do vậy, có ý kiến cho rằng, Chính phủ Ấn Độ đã tính tới các yếu tố này để đưa ra quyết định bất ngờ cấm xuất khẩu gạo.   Tác động của lệnh cấm đối với chuỗi cung ứng gạo và lương thực thực phẩm

Việc Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu gạo hôm 20/7 được coi là cú sốc mới với thị trường lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, động thái đẩy thế giới tới với cuộc khủng hoảng lương thực lại chính là việc Nga ngừng tham gia thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen trước đó 3 ngày. 

Việc Nga rút khỏi thỏa thuận cũng có nghĩa các loại ngũ cốc của Ukraine như lúa mì, ngô, lúa mạch sẽ không còn có thể xuất ra thị trường bên ngoài một cách dễ dàng. Đây chính là vấn đề với thị trường toàn cầu. Và ít ngày sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, UAE và Nga cũng hành động tương tự. Cần nhìn nhận vai trò của Ấn Độ trên thị trường gạo thế giới để thấy được nguy cơ trong tương lai. Với việc chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu của thế giới, việc Ấn Độ cắt nguồn cung sẽ là sự thiếu hụt lớn với nhiều thị trường đang nhập khẩu gạo, đặc biệt là các nước nghèo ở châu Phi, nơi đang mua rất nhiều gạo tẻ thường phi basmati của Ấn Độ.

Lệnh cấm của Ấn Độ cũng được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm. Giá gạo toàn cầu đã nhích dần từ đầu năm 2022. Tính từ tháng 6/2022, giá đã tăng 14%. Trong khi đó, nguồn cung lại đang căng thẳng, khi ba tháng nữa mới tới vụ thu hoạch mới tại các thị trường. Thời tiết khắc nghiệt tại Nam Á với lượng mưa trái quy luật ở Ấn Độ và mưa lũ ở Pakistan đã ảnh hưởng đến mùa màng. Chi phí trồng lúa cũng tăng do giá phân bón lên cao. Việc các loại tiền tệ mất giá so với USD khiến chi phí nhập khẩu với nhiều nước tăng vọt. Lạm phát cũng làm tăng chi phí đi vay với hoạt động ngoại thương. Đây chính là vấn đề với các nước nhập khẩu gạo.

Tuy nhiên, khủng hoảng về giá và nguồn cung có thể sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Nhiều chuyên gia cho rằng lệnh cấm của Ấn Độ chỉ là tạm thời. Ấn Độ hiện có dự trữ 41 triệu tấn gạo – gấp 3 lần mức cần thiết. Vài tháng nữa, khi mùa vụ thu hoạch mới đến, Ấn Độ và các nước xuất khẩu gạo khác bắt đầu dư nguồn cung hoặc các căng thẳng địa chính trị được hạ nhiệt. Khi đó, gạo và các loại ngũ cốc khác trở lại với vị trí vốn có của nó chứ không còn là ‘công cụ’, ‘con bài mặc cả’ giữa các nước. Vấn đề khi đó sẽ được giải quyết.

Cơ hội trong khủng hoảng

Nhiều quan điểm cho rằng, động thái cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và 1 số nước đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường. Tuy nhiên một số ý kiến khác lại cho rằng có thể biến khủng hoảng thành cơ hội, như chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu nhiều nông sản và thực phẩm hơn.

Theo quy luật cung – cầu của thị trường, một khi nguồn cung khan hiếm, giá cả tăng sẽ tất yếu dẫn tới việc các nhà sản xuất tăng canh tác, sản xuất để bù đắp sự thiếu hụt, tận dụng đòn bẩy về giá. Dĩ nhiên, việc gia tăng sản lượng sẽ chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, cho tới ngưỡng nào đó mà nhu cầu của thị trường bão hòa, giá bắt đầu đi xuống. Quy luật này cũng có thể áp dụng với mặt hàng gạo và các loại ngũ cốc. 

Sự suy giảm sản lượng, khan hiếm nguồn cung gạo hiện tại sẽ tạo điều kiện cho các nhà sản xuất tận dụng nguồn lực để gia tăng diện tích trồng trọt và sản lượng thu hoạch để đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng, gạo là mặt hàng mang tính an sinh xã hội. Nó đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của con người là về lương thực. 

Lợi nhuận từ việc buôn bán xuất khẩu mặt hàng gạo là tương đối nhỏ nếu so sánh với các loại cây trồng khác. Ngoài ra, việc canh tác lại sử dụng nhiều nước và phụ thuộc vào thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu với mức độ nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, các quốc gia chắc chắn sẽ phải tính toán kỹ nếu muốn gia tăng sản lượng và tận dụng các yếu tố của thị trường.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC