Gần 10 triệu công dân Hy Lạp đã tham gia bỏ phiếu tại 21.500 điểm trên cả nước, các điểm bỏ phiếu dự kiến sẽ đóng lại lúc 19h tối 21/5 để kiểm phiếu và bầu ra quốc hội và chính phủ mới.
Mặc dù Đảng của Thủ tướng đương nhiệm Kyriakos Mitsotakis đang đứng đầu sau các cuộc thăm dò trước và trong khi người dân tham gia bầu cử tuy nhiên sẽ rất khó để có thể thành lập liên minh do những bất đồng sâu sắc giữa các đảng phái.
Theo các cuộc thăm dò mới nhất, chỉ 5 trong số 35 đảng tranh cử có cơ hội giành được tối thiểu 3% số phiếu phổ thông để vào quốc hội 300 ghế. Đảng Dân chủ Mới của Thủ tướng đương nhiệm Kyriakos Mitsotakis có khả năng giành chiến thắng với hơn 30% phiếu bầu, trong khi Đảng cánh tả đối lập của cựu Thủ tướng Alexis Tsipras chỉ có 26% ủng hộ. Ở vị trí thứ ba có thể thuộc về Đảng Dân chủ Xã hội với 9%, tiếp theo là Đảng Cộng sản Hy Lạp với 6,5%. Trong các cuộc thăm dò cho thấy không Đảng nào giành được tối thiểu 45% số phiếu cần thiết để chiếm đa số ghế trong quốc hội.
Đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ có ba ngày để đàm phán liên minh với một hoặc nhiều đảng khác. Nếu thất bại, nhiệm vụ thành lập chính phủ sẽ được trao cho bên thứ hai. Tuy nhiên, Hy Lạp cũng đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng chính và các đảng phái nhỏ hơn, do đó, việc đàm phán thành lập một liên minh là rất khó khả thi. Trong trường hợp không có chính phủ nào được thành lập sau cuộc bầu cử này thì Tổng thống sẽ chỉ định một chính phủ tạm quyền để điều hành trước cuộc bầu cử thứ 2 sẽ được tổ vào đầu tháng 7.
Cuộc bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức theo luật bầu cử mới giúp đảng chiến thắng dễ dàng thành lập chính phủ hơn bằng cách trao cho đảng đó phần thưởng lên tới 50 ghế. Tổng cộng có 36 đảng và liên minh đảng đang tranh cử. Các đảng nhận được ít nhất 3 phần trăm phiếu bầu sẽ chia sẻ 285 ghế trong quốc hội theo tỷ lệ phiếu bầu của họ.
Một trong vấn đề đáng chú ý khác được cho là thách thức của chính phủ mới Hy Lạp trong thời gian tới là vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Trước cuộc bầu cử này, thủ tướng Mitsotakis đã hứa sẽ xây dựng một hàng rào biên giới dọc theo toàn bộ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người di cư đến từ những nơi như Syria. Nước này đã phải đối mặt với một giai đoạn vô cùng khó khăn từ khủng hoảng người di cư vào năm 2015.
Tiếp đó, vấn đề nhận sự quan tâm của nhiều người dân và quốc tế là cách giải quyết vấn đề của chính phủ hiện tại sau những cáo buộc giám sát hàng loạt các nhân vật đối lập trong năm 2021. Mặc dù Thủ tướng Mitsotakis đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội đầu năm 2023, tuy nhiên vụ bê bối này cũng là một đòn giáng mạnh mẽ vào niềm tin của công chúng đối với chính phủ hiện tại.
Bên cạnh đó, vẫn còn quan ngại về tình trạng nghèo nàn của cơ sở hạ tầng nghèo nàn của Hy Lạp, mà nổi bật là vụ tai nạn đường sắt vừa qua khiến 57 người thiệt mạng, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình của người dân phản đối chính phủ vì đã không có các biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng yếu kém./.
Nguồn: vov.vn