Góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) nhận định, Dự thảo Chiến lược  đã phản ánh hầu hết những vấn đề cần giải quyết để gỡ các nút thắt hiện nay cho hoạt động logistics phát triển và đáp ứng kỳ vọng của toàn xã hội, đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế.

Các hiệp hội, doanh nghiệp logistics phải là trung tâm của các giải pháp phát triển ngành

Chiến lược nên xác định vai trò rõ hơn nữa của Hiệp hội logistics quốc gia, Hiệp hội logistics địa phương về đóng góp ý kiến liên quan quy hoạch cũng như triển khai phát triển hạ tầng logistics.

Nội dung Dự thảo Chiến lược đã chú trọng gắn hoạt động logistics với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, xác định logistics là yếu tố then chốt để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Chiến lược cũng đề cao yếu tố nguồn nhân lực logistics, coi đây là một trong bảy yếu tố quan trọng để phát triển logistics Việt Nam.

Về các mục tiêu cụ thể, Chiến lược đã lượng hóa các con số cụ thể cho từng mục tiêu và đây vừa là thách thức, vừa là động lực cho quá trình triển khai Chiến lược sau này.

"Về các giải pháp để hiện thực hóa các tầm nhìn và mục tiêu, Chiến lược đã đề cập cân bằng giữa hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho ngành logistics bao gồm các vấn đề liên quan đến thể chế chính sách cũng như phát triển hạ tầng cứng cho hoạt động logistics như quy hoạch kho bãi, bến cảng, trung tâm logistics và hệ thống cảng cạn quốc gia", ông Nghĩa đánh giá.

Chủ tịch HNLA cũng đề xuất, trong Chiến lược nên đề cập tới việc quy hoạch 1 trung tâm logistics quốc gia trên địa bàn TP Hà Nội. “Hạ tầng logistics luôn gắn liền với hạ tầng GTVT, về mặt địa lý, Hà Nội đang là trung tâm GTVT, do đó, đương nhiên cần hạ tầng đủ mạnh để kết hợp các loại hình vận tải, kéo giảm chi phí logistics”, Chủ tịch HNLA nhấn mạnh.

Ông Trần Đức Nghĩa cũng đề nghị làm rõ hơn nữa bộ chỉ tiêu thông tin về logistics, phân rõ vai trò trách nhiệm công bố thông tin của cơ quan cụ thể.

Đồng thời Chiến lược nên xác định vai trò rõ hơn nữa của Hiệp hội logistics quốc gia, Hiệp hội logistics địa phương về đóng góp ý kiến liên quan quy hoạch cũng như triển khai phát triển hạ tầng logistics.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, Chiến lược nên có nội dung hỗ trợ kết nối doanh nghiệp logistics với các tổ chức, Hiệp hội logistics nước ngoài và hiệp hội doanh nghiệp các nước để đảm bảo tính chính danh và hiệu quả cao hơn so với doanh nghiệp tự kết nối.

“Chúng ta nên quy hoạch hệ thống trung tâm logistics quốc gia, chuyển từ phân định các trung tâm logistics theo quy mô đất đai sang chức năng của các trung tâm. Đồng thời, các Trung tâm logistics cần có chức năng kết hợp các phương thức vận tải”, ông Nghĩa đề xuất.

Đồng thời cho rằng, hiện quy trình thủ tục hải quan không đáp ứng hạ tầng chuyên phục vụ cho thương mại điện tử. “Do đó, chúng ta cần cái mới, cần hạ tầng mềm đáp ứng và khuyến khích phát triển cho thương mại điện tử”, Chủ tịch HNLA nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) đề xuất, các giải pháp của Chiến lược cần thấy được vai trò trung tâm hơn của các Hiệp hội và doanh nghiệp logistics. Bởi theo ông Đức, các giải pháp về cơ chế, hạ tầng, nhân lực…tựu chung lại cũng phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp logistics. Do đó, các Hiệp hội, các doanh nghiệp logistics phải là trung tâm của các giải pháp đó. 

Các hiệp hội, doanh nghiệp logistics phải là trung tâm của các giải pháp phát triển ngành

Các giải pháp của Chiến lược cần thấy được vai trò trung tâm hơn của các Hiệp hội và doanh nghiệp logistics.

Bà Kim Chi, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì đề xuất, giải pháp thứ nhất về hoàn thiện thể chế pháp luật, để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào logistics thì nên chăng Chiến lược cần đưa các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp như thuế, vốn vay ưu đãi….

Giải pháp về đổi mới quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng quy hoạch, trong đó có nội dung huy động vốn và sửa đổi các chính sách về huy động xã hội hoá.

“Vậy nên chăng khuyến khích hình thức hợp tác công tư và tăng cường sự tham gia của tư nhân vào hạ tầng logistics. Từ đó Chiến lược cần cụ thể chi tiết tại các kế hoạch thực hiện trong đó có chính sách khuyến khích, ưu đãi vai trò của tư nhân vào hạ tầng logistics”, đại diện Ban Pháp chế VCCI đề xuất.

Với giải pháp về xây dựng chính sách ưu đãi về thuế vốn cho doanh nghiệp, bà Kim Chi băn khoăn việc áp dụng các chính sách này sẽ dành cho toàn bộ các doanh nghiệp logistics hay một số nhóm doanh nghiệp với tiêu chí, yêu cầu cụ thể.

“Nội dung này cần làm rõ thêm trong Chiến lược để tránh tình trạng quy định hiểu theo nhiều nghĩa hay áp dụng theo nhiều cách khác nhau. Hi vọng chiến lược tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp logistics cùng tham gia”, đại diện Ban Pháp chế VCCI lưu ý.

Với giải pháp thứ tư, VCCI đồng tình với VLA liên quan đẩy mạnh nghiên cứu phát triển KHCN, chuyển đổi xanh, cần giải pháp cụ thể để định hướng rõ rệt cho doanh nghiệp khi lựa chọn hướng đi của mình, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ưu đãi hơn cho doanh nghiệp.

“Để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành, không thể không nhắc tới vai trò của hệ thống ngân hàng cả trong chiến lược và hỗ trợ giải pháp phát triển”, bà Kim Chi đề xuất thêm.

Đại diện VCCI cũng đồng tình rằng logistics là lĩnh vực hoạt động rộng và dàn trải, cần xác định rõ lĩnh vực logistics nào là thế mạnh và trọng tâm để có những chương trình hỗ trợ phát triển, tạo đà phát triển cho toàn ngành.